Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

NASA công bố chi tiết kế hoạch đưa con người đến Sao Hỏa

Vào ngày 21 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump vừa ký một đạo luật buộc NASA phải đưa con người đến Sao Hỏa vào năm 2033. Ngay sau đó một tuần, NASA đã công bố kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay về chuyến đi vĩ đại này của người Trái Đất.

NASA lần đầu tiên công bố chi tiết sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa. Hình ảnh: NASA.
NASA lần đầu tiên công bố chi tiết sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa. Hình ảnh: NASA.

Cụ thể, cơ quan này sẽ xây dựng một trạm trung chuyển trên Mặt Trăng và thử nghiệm cuộc sống Sao Hỏa tại Mặt Trăng. Một phi hành đoàn gồm 4 người sẽ trải qua ba năm trong tàu vũ trụ đến Sao Hỏa, và sẽ không được rời khỏi đó trong ngần ấy thời gian.

Tuy nhiên, trước mắt NASA chỉ tập trung xây cất công trình và tiến hành thử nghiệm các hệ thống cần thiết trên Mặt Trăng. Vào thập niên 2030, NASA sẽ tiến hành đưa người đến Sao Hỏa nhưng chỉ bay vòng quanh hành tinh này mà không tiến hành hạ cánh.

Sau đây là 5 giai đoạn đến Sao Hỏa được William Gerstenmaier, người đứng đầu bộ phận khai thác hàng không và con người của NASA, giới thiệu trong buổi họp của các chuyên gia của NASA vào ngày 28 tháng 3 vừa qua.

Tổng quan về 5 giai đoạn được NASA công bố trong công cuộc đưa con người lên Sao Hỏa. Hình ảnh: NASA.
Tổng quan về 5 giai đoạn được NASA công bố trong công cuộc đưa con người lên Sao Hỏa. Hình ảnh: NASA.

Giai đoạn 0. Sử dụng Trạm Không gian Quốc tế (ISS) làm nơi thử nghiệm để chứng minh khả năng hoạt động của các thiết bị. Giai đoạn này cũng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp không gian thương mại, cho phép các hãng tư nhân như SpaceX, Boeing, Orbital ATK tham gia khai thác. Chúng ta hiện đang trong giai đoạn này.

Giai đoạn 1. Đây là giai đoạn có những bước đi đầy tham vọng, diễn ra từ 2018 đến 2025.

Đầu tiên, NASA phóng tên lửa SLS để bắt đầu chương trình. Đây là một tên lửa cao 98 mét được thiết kế để kết nối với tên lửa Saturn V - tên lửa mà đã đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trong chuỗi sứ mệnh Apollo của thế kỷ trước. SLS sẽ phóng tàu Orion lên không gian, nếu hoạt động tốt, họ sẽ cho phóng tiếp 5 tên lửa SLS khác nữa.

Một trong số năm tên lửa này sẽ phóng tàu thăm dò Europa Clipper đến Sao Mộc, nó sẽ thực hiện nghiên cứu vệ tinh băng giá được cho là có một đại dương có tiềm năng tồn tại và phát triển sự sống. Bốn tên lửa còn lại sẽ phóng từng bộ phận của một trạm không gian mới được gọi là Deep Space Gateway, bay ở quỹ đạo gần Mặt Trăng. Các phi hành gia sẽ lắp ráp các bộ phận riêng lẻ lại với nhau.

“Trạm không gian mới sẽ là nơi trung chuyển, hỗ trợ các phi hành đoàn của các sứ mệnh lên Mặt Trăng hoặc xa hơn là những sứ mệnh đi đến khắp nơi trong Hệ Mặt Trời”, Gerstenmaier cho biết.

Trạm không gian chuyển động quanh Mặt Trăng sẽ trở thành trạm trung chuyển cho các sứ mệnh không gian xa hơn trong tương lai. Hình ảnh: NASA.
Trạm không gian chuyển động quanh Mặt Trăng sẽ trở thành trạm trung chuyển cho các sứ mệnh không gian xa hơn trong tương lai. Hình ảnh: NASA.

Giai đoạn 2. Bắt đầu hoạt động trạm không gian quanh Mặt Trăng bằng cách phóng một phương tiện vận chuyển lên không gian vào năm 2027. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 2028 đến 2029, bốn phi hành gia sẽ có 400 ngày để làm việc bên trong trạm không gian nặng 41 tấn này. Nhiệm vụ của họ trong thời gian này là đảm bảo trạm hoạt động ổn định và không có lỗi gì khiến nó ngưng hoạt động.

Giai đoạn 3. Bắt đầu vào năm 2030 khi trạm không gian ở Mặt Trăng hoạt động suôn sẻ, không gặp bất cứ vấn đề gì. Một chuyến bay khác của tên lửa SLS sẽ được phóng lên để tiếp nhiên liệu cho trạm, rồi ngay sau đó là một chuyến bay khác nữa mang theo bốn phi hành gia, họ sẽ là những người đầu tiên du hành đến Sao Hỏa.

Giai đoạn 4. Từ năm 2033 trở về sau, hiện tại NASA vẫn còn khá mơ hồ về giai đoạn này. Tất cả những gì Gerstenmaier đề cập về giai đoạn này, chỉ là phát triển hệ thống robot để chuẩn bị môi trường sinh sống được và nguồn cấp nhiên liệu, sẵn sàng chào đón những sứ mệnh con người đến Sao Hỏa.

Liệu NASA sẽ cho người đặt bước chân đầu tiên lên Sao Hỏa? Điều này còn phụ thuộc vào việc cơ quan hàng không này có thể duy trì được mức ngân sách tương đối lớn từ Quốc hội Hoa Kỳ hay không. Trong các sứ mệnh Apollo đưa con người lên Mặt Trăng, NASA giữ đến 4% tổng ngân sách của Mỹ. Trong khi đó, ngày nay mức này giảm xuống còn khoảng nửa phần trăm.

Dù NASA mong muốn hợp tác với các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không, nhưng cơ quan này cũng sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh từ các công ty. Thậm chí những hãng hàng không này sẽ tiến hành hạ cánh lên Sao Hỏa trước cả NASA.

Elon Musk là người sáng lập công ty tên lửa SpaceX, mới đây vừa cho biết rằng hãng này dự kiến sẽ đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2022. Boeing cũng đưa lời thách thức với SpaceX trong cuộc chạy đua này. Những công ty này cho biết sẽ tập trung đến mục tiêu xa hơn là giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ bị hủy diệt bởi một mối họa nào đó từ không gian.

> Bạn có thể tải về tài liệu được NASA công bố tại đây.

Quang Niên
Theo Business Insider