Header Ads

Trái Đất đến gần Mặt Trời nhất trong năm vào ngày 4/1/2014

Hành tinh của chúng ta sẽ đạt điểm cận nhật - tức là điểm gần với Mặt Trời nhất trong năm vào ngày hôm nay, 4/1. Từ cận nhật trong tiếng Anh là "perihelion", từ này là tiếng Hy Lạp với peri là gần và helion là Mặt Trời.

Vị trí 1 : Trái Đất ở điểm viễn nhật (aphelion), Vị trí 2 : Trái Đất ở điểm cận nhật (perihelion), 3 : Mặt Trời. Hình ảnh minh họa bởi Pearson Scott Foresman.
Vị trí 1 : Trái Đất ở điểm viễn nhật (aphelion), Vị trí 2 : Trái Đất ở điểm cận nhật (perihelion), 3 : Mặt Trời. Hình ảnh minh họa bởi Pearson Scott Foresman.

Trái Đất của chúng ta sẽ đạt điểm cận nhật hằng năm vào đầu tháng Giêng - lúc này đang là mùa đông ở bắc bán cầu và đạt điểm viễn nhật vào đầu tháng bảy - lúc này đang là mùa hè ở bắc bán cầu. Tại sao Trái Đất đến gần Mặt Trời mà ở bắc bán cầu lại là mùa đông ? Rõ ràng khoảng cách xa gần của Trái Đất không phải là yếu tố quyết định các mùa trên Trái Đất. Các mùa được tạo ra là do trục nghiêng của Trái Đất, vào mùa đông thì bắc bán cầu nghiêng xa về phía Mặt Trời nên lượng ánh sáng và độ ấm từ Mặt Trời sẽ ít hơn so với nam bán cầu. Ngày nghiêng tối đa là vào ngày hạ chí và đông chí.

Hình minh họa trục nghiêng của Trái Đất bởi Dna-webmaster. Tiếng Việt bởi Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.
Hình minh họa trục nghiêng của Trái Đất bởi Dna-webmaster. Tiếng Việt bởi Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.

Mặc dù không liên quan đến các mùa, nhưng điểm cận nhật và điểm viễn nhật ảnh hưởng đến độ dài của các mùa. Khi Trái Đất đến điểm cận nhật - tức là bây giờ - thì Trái Đất đang di chuyển nhanh nhất trong quỹ đạo xung quanh Mặt Trời. Trái Đất hiện nay đang đi với tốc độ 30,3 cây số mỗi giây và di chuyển nhanh hơn 1 cây số mỗi giây vào thời điểm ở xa Mặt Trời nhất vào đầu tháng bảy. Vì vậy mùa đông ở bắc bán cầu (tức là mùa hè ở nam bán cầu) là mùa ngắn nhất.

Trái Đất sẽ đạt điểm cận nhật vào lúc 7 giờ tối ngày 4/1/2014, lúc này Trái Đất cách xa Mặt Trời 147,1 triệu km.

Anh Tuấn Nguyễn theo EarthSky