Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Sáng sớm ngày 6/1 là thời điểm tốt nhất trong năm để quan sát Sao Mộc

Sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời - sẽ đạt độ sáng tối đa vào 4 giờ sáng 6/1, thời điểm này Sao Mộc sẽ đạt vị trí mà được gọi là "đối lập" (opposition). Nhìn từ Trái Đất, Sao Mộc sẽ đối diện thẳng với Mặt Trời. Từ buổi chiều 5/1, Sao Mộc sẽ mọc lên từ chân trời hướng đông lúc hoàng hôn và sẽ lặn ở chân trời hướng tây lúc bình minh đến, tức là bạn quan sát được nó trong suốt đêm.

Hình minh họa vị trí của các thiên thể trong thời điểm Sao Mộc đạt vị trí đối lập. Bạn có thể thấy Sao Mộc đối diện thẳng với Trái Đất và Mặt Trời nên bề mặt của nó được chiếu sáng đầy đủ nhất bởi Mặt Trời. Hình minh họa bởi Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.

Khi đạt vị trí đối lập, Sao Mộc sẽ nằm đối diện thẳng với Trái Đất và Mặt Trời, lúc này bề mặt của Sao Mộc sẽ được chiếu sáng đầy đủ nhất bởi Mặt Trời, vì thế nó sẽ tỏa sáng với độ sáng lớn nhất và xuất hiện to lớn nhất trên bầu trời đêm Trái Đất. Lúc này Sao Mộc đã nằm gần đường chân trời, nên bạn sẽ khó quan sát được nó nếu bạn không có đường chân trời hướng tây thoáng đãng, vì thế bạn nên quan sát nó từ đêm 5/1 cho đến rạng sáng 6/1.

Bầu trời hướng tây vào 4 giờ sáng ngày 6/1/2014, lúc này đang là thời điểm Sao Mộc đạt vị trí đối lập. Sao Mộc tỏa sáng với độ sáng lớn nhất nhưng nó sắp lặn ở chân trời tây nên bạn nên quan sát nó từ tối 5/1 cho đến sáng 6/1. Hình minh họa bởi Stellarium, tiếng Việt bởi Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.

Sao Mộc là một trong những mục tiêu hàng đầu cho những người yêu thích bầu trời đêm, hãy quan sát qua kính thiên văn, bạn sẽ nhìn thấy những đám mây trên bầu khí quyển của nó và những mặt trăng lớn nhất của nó, những mặt trăng này được phát hiện vào năm 1610 bởi Galileo Galilei.

Trong nhiều tháng trước và sau ngày đối lập của Sao Mộc, hành tinh khí khổng lồ mọc lên từ bầu trời hướng đông bắc. Nó nằm trong chòm sao Gemini (Song Tử), vị trí này có nghĩa là nó sẽ xuất hiện cao trên bầu trời với độ cao lên đến gần 80° so với đường chân trời vào nửa đêm.

Ba hình ảnh chụp vào đêm 28/12/2013 cho thấy Sao Mộc tự xoay quanh trục trong vòng 44 phút. Tác giả : Christopher Go.

Trong lần đối lập năm nay, kích thước của Sao Mộc qua kính thiên văn đạt 47 giây cung (1 giây cung thì bằng 1/3600 của 1°). Kích thước biểu kiến này sẽ cho chúng ta thấy được những đám mây trên bầu khí quyển của nó. Sao Mộc hoàn thành một vòng tự quay quanh trục là 9 giờ 55 phút 30 giây, trong khi nó xuất hiện trên bầu trời của Trái Đất vào đêm đó ít nhất là 11 giờ - cho phép bạn xem trọn một vòng hành tinh chỉ trong một đêm.

Bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc là mục tiêu dễ dàng khi quan sát qua kính thiên văn nhỏ. Io mất ít nhất 2 ngày để quay quanh Sao Mộc, vì vậy bạn sẽ thấy sự thay đổi vị trí tương đối của nó trong 1 tiếng hay nhiều hơn. Bạn sẽ thấy được những vệ tinh này quá cảnh (transits) với Sao Mộc - tức là chúng chuyển động qua trước mặt Sao Mộc.

Sao Mộc sáng hơn cả những ngôi sao xung quanh. Hình ảnh nầy được chụp vào tối 18/11/2012 bởi Carlos Colon Sr.

Sao Mộc sẽ đạt vị trí đối lập mỗi 13 tháng một lần, những ngày đạt vị trí đối lập thường gần với ngày nó đến gần Trái Đất nhất. Sao Mộc vừa đến gần Trái Đất nhất vào ngày 4/1 vừa qua với khoảng cách là 630 triệu cây số.

Một vài sự thật thú vị về Sao Mộc :
- Sao Mộc có thể chứa 1266 Trái Đất vào bên trong nó.
- Nếu 7 hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời gộp lại thì chúng chỉ chiếm 68% khối lượng của Sao Mộc.
- Sao Mộc lớn hơn Trái Đất đến 317 lần.
- Sao Mộc là hành tinh phản xạ nhiều thứ hai (sau Sao Kim). Nó phản xạ đến 52% lượng ánh sáng từ Mặt Trời vào không gian trong khi Trái Đất phản xạ 37%.
- Sao Mộc có vệ tinh Ganymede là vệ tinh tự nhiên lớn nhất hệ Mặt Trời, đường kính của nó lên đến 5270 km.

Anh Tuấn Nguyễn theo Tạp chí Astronomy và EarthSky