Header Ads

Quan sát chòm sao hoàng hậu Cassiopeia trên bầu trời mùa thu

Cassiopeia là nữ hoàng xứ Ethiopia trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Theo truyền thuyết, bà đẹp hơn nữ thần biển Nereids và bà khoe khoang tự hào về vẻ đẹp của mình, nên nữ thần biển tức giận đã cho một con quái vật biển Cetus đến tàn phá vương quốc của bà nữ hoàng xứ Ethiopia này. Để làm yên lòng con quái vật, con gái của Cassiopeia là công chúa Andromeda đã hy sinh vì mẹ của mình, nàng bị trói vào một tảng đá bên bờ biển, con quái vật Cetus đã sẵn sàng ăn tươi nuốt sống cô công chúa xinh đẹp, nhưng ngay lúc đó anh hùng Perseus đã xuất hiện và giải cứu công chúa, sau đó họ chung sống với nhau rất hạnh phúc, các vị thần rất hài lòng về chuyện này và cho họ lên bầu trời trở thành các chòm sao.

Chòm sao Cassiopeia dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hình ảnh chụp vào ngày 12/8/2006 ở Bearsden, Scotland, Vương quốc Anh. Tác giả : Bruce Cowan.
Chòm sao Cassiopeia dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hình ảnh chụp vào ngày 12/8/2006 ở Bearsden, Scotland, Vương quốc Anh. Tác giả : Bruce Cowan. Xem trên Flickr.

Chòm sao có hình dạng chữ W (hay là chữ M) tượng trưng cho bà hoàng lộng lẫy đang ngồi trên chiếc ngai vàng của mình sẽ xuất hiện trên bầu trời đêm tháng 10 này sau khi Mặt Trời lặn ở chân trời hướng đông bắc và sẽ ở gần chân trời suốt đêm. Ngoài ra, xung quanh chòm sao này bạn cũng sẽ bắt gặp cô con gái xinh đẹp của bà nữ hoàng, đó là chòm sao công chúa Andromeda và chàng hiệp sĩ dũng cảm Perseus.

Ngay bây giờ và những ngày tiếp theo, bạn hãy hướng mắt về khu vực gần chân trời hướng đông bắc để tìm kiếm 4 ngôi sao sáng của chòm sao này, tất cả đều là những ngôi sao sáng hơn độ sáng biểu kiến +3,0. Alpha Cassiopeiae hay còn gọi là Shedir, là một hệ sao đôi. Ngôi sao chính là một ngôi sao khổng lồ cam, với độ sáng biểu kiến là +2,2 và cách chúng ta 229 năm ánh sáng, và ngôi sao thứ hai của hệ này cách khá xa so với ngôi sao chính và có độ sáng biểu kiến là +8,9. Tiếp theo là Caph (Beta Cassiopeiae), là một ngôi sao màu trắng với độ sáng biểu kiến là +2,3 và cách chúng ta chỉ 54 năm ánh sáng.

Hai ngôi sao đáng chú ý còn lại trong chòm sao này là sao biến quang. Gamma Cassiopeiae là một ngôi sao biến quang với tốc độ quay rất nhanh, điều này khiến cho độ sáng biểu kiến của nó không ổn định, độ sáng biểu kiến tối thiểu là +3.0 và tối đa là +1.6, trung bình là vào khoảng +2.2. Delta Cassiopeiae, hay còn gọi là Ruchbah, là một sao biến quang kiểu Algol, nó thay đổi độ sáng biểu kiến từ +0.1 đến +2.7, thời gian của chu kì này là 2 năm 1 tháng, Ruchbah có màu xanh trắng và cách chúng ta 99 năm ánh sáng.

Anh Tuấn Nguyễn dịch từ EarthSky và Wikipedia