Header Ads

Quan sát sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková vào rạng sáng 9/2

Sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková chụp bởi Tim PuckettTrong tháng 2 này, bạn sẽ quan sát được một sao chổi có độ sáng tương đối, có thể ngắm nhìn qua ống nhòm hoặc kính thiên văn, nhưng không quan sát được bằng mắt thường. Sao chổi này sẽ đạt độ sáng biểu kiến lớn nhất vào rạng sáng ngày 9/2 tới đây.

Sao chổi mà Ftvh sắp giới thiệu đến các bạn, là 45P/Honda–Mrkos–Pajdušáková. Đây là một sao chổi có chu kỳ quỹ đạo ngắn được phát hiện bởi Minoru Honda vào ngày 3 tháng 12 năm 1948. Tên của nó được đặt theo ba nhà thiên văn là Minoru Honda, Antonín Mrkos, và Ľudmila Pajdušáková.

Sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková trên bầu trời Tivoli ở Namibia, quốc gia ở Nam Phi vào ngày 22 tháng 12 năm 2016 vừa qua. Hình ảnh: Gerald Rhemann.
Sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková trên bầu trời Tivoli ở Namibia, quốc gia ở Nam Phi vào ngày 22 tháng 12 năm 2016 vừa qua.
Hình ảnh: Gerald Rhemann.

Sao chổi này xoay xung quanh Mặt Trời với một quỹ đạo hình elip có chu kỳ là 5,25 năm. Lõi của nó ước tính có đường kính vào khoảng 0,5 km đến 1,6 km. Vào ngày 19, 20 tháng 8 năm 2011, nó trở thành sao chổi thứ 15 được phát hiện bởi những kính viễn vọng vô tuyến trên mặt đất.

Trước đây, vào lần sao chổi đạt điểm cận nhật (điểm đến gần Mặt Trời nhất) năm 1995, nó đã được quan sát thấy bởi Tàu Quan sát Nhật quyển Mặt Trời (SOHO) vào ngày 16 tháng 1 năm 1996, lúc này nó có độ sáng là +7 và cách 4,3° so với Mặt Trời.

Sau đó vào lần đạt điển cận nhật năm 2011, nó cũng được nhìn thấy lại vào ngày 5 tháng 6 với độ sáng là +21. Độ sáng của nó thay đổi lên xuống trong suốt những tháng sau đó, cuối cùng đạt +7,3 vào tháng 9.

Sao chổi 45P/Honda–Mrkos–Pajdušáková đã đạt điểm cận nhật lần nữa vào ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková vào tháng 1 năm 2017 vừa qua tại Nhật Bản.
Hình ảnh: 佐藤常文.

   Sao chổi 45P sẽ đến điểm gần Trái Đất nhất vào ngày 11 tháng 2 này, ở khoảng cách chỉ 12.430.000 km so với hành tinh của chúng ta. Vào rạng sáng ngày 9 tháng 2, chúng ta sẽ quan sát tốt nhất sao chổi này với độ sáng biểu kiến là +6,4.

Dưới đây là các mốc thời gian chính để quan sát, bạn hãy ghi chú lại các mốc thời gian sau đây để tiện cho việc theo dõi nhé.

Mốc sự kiện Thời gian (09/02) Độ cao của sao chổi
Sao chổi mọc 03:12 10° (ĐĐB)
Bị mờ dần do trời sáng 05:23 42° (ĐĐB)
Mặt Trời mọc 06:14 54° (ĐĐB)
Sao chổi lên cao nhất 08:36 83° (ĐB)

Qua từng ngày, sao chổi sẽ có độ sáng biểu kiến tăng dần (tức mờ nhạt dần), khiến bạn khó quan sát được nó hơn. Vào giữa tháng 5, nó sẽ lặn đi ở chân trời hướng tây và bạn sẽ không gặp lại nó sau ít nhất là 5 năm nữa.

Sao chổi sẽ không nằm gần ngôi sao sáng nào, và nằm trong vùng giao nhau giữa các chòm sao, nên bạn hãy sử dụng bản đồ sao trên máy tính hoặc điện thoại để định vị nó trước khi quan sát.

Mô phỏng vị trí sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková trên bầu trời hướng đông đông bắc vào 4 giờ sáng ngày 9 tháng 2.
Mô phỏng vị trí sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková trên bầu trời hướng đông đông bắc vào 4 giờ sáng ngày 9 tháng 2.

Để theo dõi sao chổi 45P/Honda–Mrkos–Pajdušáková qua phần mềm Stellarium (máy tính), mời bạn thực hiện theo các bước hướng dẫn sau.

1) Trước tiên mở phần mềm Stellarium lên và bấm F2.
2) Ở cửa sổ hiện lên, bạn chọn thẻ Plugin.
3) Chọn menu Solar System Editor ở cột trái, bấm nút Configure.
4) Ở cửa sổ hiện lên, bạn chọn thẻ Solar System.
5) Bấm nút Import orbital elements in MPC format ...
6) Ở cửa sổ hiện lên, bạn chọn Comets.
7) Ở phần Select the source, chọn MPC's list of observable comets ở danh sách xổ xuống.
8) Bấm nút Get orbital elements.
9) Sau khi tải về dữ liệu, bạn gõ "45P" ở ô tìm kiếm. Chọn "45P/Honda-Mrkos-Pajdusakova" rồi bấm Add objects.
10) Vậy là xong, bạn có thể đóng hết các cửa sổ. Ở màn hình chính, bấm F3 để tìm kiếm rồi gõ 45P, phần mềm sẽ tự định vị sao chổi trên bầu trời mô phỏng.

Tóm lại. Vào rạng sáng 9/2 từ 03:12 sáng, bạn hãy nhìn về bầu trời hướng đông đông nam và hướng ống nhòm hoặc kính thiên văn để tìm ra cho mình sao chổi 45P/Honda–Mrkos–Pajdušáková có độ sáng biểu kiến là +6,4.

Quang Niên
Tham khảo TheSkyLive, In-the-sky, Stellarium