Header Ads

Bản tin Thiên văn học - Số 2, Tuần 8 năm 2017

Bản tin Thiên văn học - Số 2, Tuần 8 năm 2017Đây là bản tin thiên văn hàng tuần của Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay. Nhật Minh, xin chào quý vị và các bạn.

Hôm nay, là ngày 20 tháng 2 năm 2017, nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Ftvh xin gởi đến các bạn những nội dung chính như sau:

Ấn Độ phá kỷ lục khi phóng cùng lúc 104 vệ tinh
Phát hiện lục địa mới nằm sâu dưới đáy đại dương
Tàu Juno đến gần Sao Mộc nhất để chụp ảnh
Tìm thấy dấu hiệu vật chất hữu cơ trên hành tinh lùn Ceres
Kỷ niệm chuyến bay đầu tiên đưa người vào quỹ đạo Trái Đất của Hoa Kỳ
Nhật thực hình khuyên hiếm gặp vào cuối tuần
Và những nội dung khác nữa, mời các bạn cùng theo dõi.




Ngày 15 tháng 2 vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã phóng sứ mệnh PSLV-C37 bằng tên lửa PSLV, đưa cùng lúc 104 vệ tinh lên không gian vũ trụ. Số lượng này phá kỷ lục trước đó của Nga vào năm 2014 khi phóng cùng lúc 37 vệ tinh.

Trong 104 vệ tinh được phóng lên không gian cùng một lúc, chỉ có 3 vệ tinh của Ấn Độ. Trong số 3 vệ tinh của Ấn Độ có vệ tinh Cartosat 2 nặng 714 kg, sẽ thực hiện quan sát Trái Đất và chụp hình ảnh có độ phân giải cao.

Trong số 101 vệ tinh nước ngoài, có 96 vệ tinh của Hoa Kỳ. Những quốc gia còn lại gửi một vệ tinh gồm Israel, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Phần lớn các vệ tinh của Hoa Kỳ thuộc sở hữu bởi một công ty tư nhân là Planet. Đây là một công ty khởi nghiệp với ý tưởng phóng vệ tinh lên quỹ đạo để quan sát bề mặt Trái Đất theo thời gian thực.

Sứ mệnh này trị giá 15 triệu USD, được đánh giá là một bước tiến lớn trong chương trình không gian của Ấn Độ, khẳng định vị thế của quốc gia này trên sân chơi của những cường quốc không gian.

––––– 
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Địa chất Mỹ tuần qua vừa cho biết đã phát hiện một lục địa mới nằm sâu dưới đáy đại dương ở khu vực phía đông Australia, được gọi là Zealandia.

Theo đó, khu vực bao gồm lãnh thổ New Zealand và New Caledonia, có thể được coi là một lục địa độc lập. Zealandia có diện tích khoảng 4,9 triệu km vuông và là lục địa nhỏ nhất trên Trái Đất. Đây cũng là lục địa trẻ nhất, mỏng nhất và ngập trong nước nhiều nhất với 94% diện tích nằm dưới mực nước biển.

Zealandia có đủ 4 yếu tố của một lục địa: có độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), có diện tích đủ lớn. Thực ra lục địa này đã được các nhà khoa học đề cập vào năm 1995, họ đã nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua nhằm khẳng định nó bao gồm một lớp vỏ địa chất đủ lớn để được gọi là một lục địa.

Zealandia là lục địa thứ 7 được khám phá. Trước đó, Trái đất được chia làm 6 lục địa gồm Phi, Á - Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Úc.

––––– 
Tàu vũ trụ Juno vừa đến điểm gần Sao Mộc nhất trong suốt cuộc hành trình của nó vào ngày 2 tháng 2 vừa qua. Lúc này nó cách 101.000 km so với những đám mây cao nhất của Sao Mộc và chụp được hình ảnh rõ nét về cực nam của hành tinh này.

Sau khi hình ảnh được gửi về Trái Đất, các nhà khoa học chỉnh sửa hình ảnh rồi công bố. Sau đó, ngày 17 tháng 2, NASA cho biết tàu Juno sẽ không đến gần hơn khoảng cách này nữa trong suốt thời gian còn lại của sứ mệnh. 

Sở dĩ tàu Juno có thể bay xa gần với Sao Mộc là bởi nó quay quanh hành tinh này với quỹ đạo hình elip có chu kỳ 53 ngày. Nó đã bắt đầu vòng bay đầu tiên của mình từ ngày 4 tháng 7 năm 2016. Trước đó Juno đã đến rất gần Sao Mộc vào 27 tháng 8, 19 tháng 10, 11 tháng 12 năm 2016 và lần gần nhất là 2 tháng 2 năm 2017.

––––– 
Trong hình ảnh mới nhất được Đài Quan sát Trái Đất của NASA công bố, một vết nứt lớn có chiều dài 1,6 km trên tảng băng ở thềm băng phía tây Châu Nam Cực đã bị vỡ. Ngay lập tức sau đó hàng loạt các khối băng nhỏ cũng bị vỡ rồi tan chảy ra đại dương.

Khu vực xảy ra sự việc nằm ở thềm băng lớn tây Châu Nam Cực, đây là một khu vực tương đối ổn định trong việc giữ lượng băng không bị tan vào đại dương. Nhưng trong những năm qua, dòng nước ấm từ các châu lục đã khiến các khối băng bị nứt rồi hòa tan vào nước biển.

Hình ảnh này được vệ tinh Landsat 8 của NASA chụp vào ngày 25 và 29 tháng 1. Khối băng vừa bị nứt tuy không lớn, nhưng nó cho thấy thềm băng khu vực này đã rất mỏng manh. Trước đó vào tháng 7 năm 2015, một tảng băng khổng lồ rộng 580 km2 đã bị tách ra từ đây.

Lần gần đây nhất ghi nhận sự kiện các khối băng tại đây bị vỡ là vào tháng 11 vừa qua. Các nhà khoa học lo ngại biến đổi khí hậu sẽ khiến nước biển ấm lên, dẫn đến việc các thềm băng vĩnh cữu tại Châu Nam Cực sẽ bị sụp đổ trong vòng 100 năm tới.

––––– 
NASA vừa công bố đã phát hiện dấu hiệu của vật chất hữu cơ trên bề mặt hành tinh lùn Ceres. Phân tử hữu cơ phức tạp dạng carbon đã được tìm thấy trên miệng núi lửa Ernutet thuộc bán cầu bắc của Ceres bởi tàu vũ trụ Dawn đang quay xung quanh quỹ đạo của hành tinh lùn này.

Tuy nhiên, việc này không nói lên được gì nhiều. Các phân tử hữu cơ vừa phát hiện khá mong manh, và thực tế là nó chỉ xuất hiện tại một địa điểm cụ thể chứ không phân bố rải rác khắp hành tinh lùn. 

Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy Ceres chứa những nguyên tố phù hợp với các phân tử hữu cơ, như khoáng chất ngậm nước, cacbonat, và đất sét ammoniate, cho biết có nguồn nước bên dưới bề mặt của hành tinh lùn này.

Thời gian qua các nhà khoa học đã phát hiện được rất nhiều bằng chứng về sự tồn tại của vật chất hữu cơ trên các thiên thể trong Hệ Mặt Trời, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu biết được nguồn gốc về sự sống trên Trái Đất của chúng ta.

––––– 
Trong tuần lễ này, tuần thứ 8 của năm 2017, chúng ta có những sự kiện như sau:

Ngày 20 tháng 2 năm 1962, phi hành gia John Glenn trở thành công dân Hoa Kỳ đầu tiên bay quanh quỹ đạo của Trái Đất. Ông là một phi công thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và cũng là một Thượng nghị sĩ Quốc hội.

Ông bay lên vũ trụ trong sứ mệnh Friendship 7 và đã thực hiện ba vòng quay quanh quỹ đạo của Trái Đất, ông trở thành người thứ 5 bay lên không gian. Trước ông còn có Alan Shepard là người Mỹ đầu tiên bay vào không gian nhưng chưa đến quỹ đạo.

Ngày 22 tháng 2 tới đây, tàu chở hàng Progress 66 của Nga sẽ phóng lên không gian để cung cấp trang thiết bị cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Dự kiến tàu sẽ phóng lên vào 1 giờ sáng ngày này (theo giờ Mỹ) từ Sân bay vũ trụ Baykonur, ở Kazakhstan.

Ngày 23 tháng 2 năm 1987, các nhà thiên văn đã lần đầu tiên kể từ năm 1604 quan sát được một vụ nổ siêu tân tinh gần Trái Đất nhất. Cái chết của ngôi sao khổng lồ này đã tỏa sáng khắp bầu trời nam bán cầu trong suốt nhiều tháng sau đó.

Siêu tân tinh 1987A đã xảy ra từ 160.000 năm trước trong khu vực Tinh vân Tarantula ở Đám mây Magellan lớn. Ánh sáng từ vụ nổ sao này lan đi với tốc độ đến 300 triệu mét mỗi giây và cuối cùng đã đến Trái Đất vào đêm 23 tháng 2 năm 1987.

Ngày 24 tháng 2 của 6 năm trước, năm 2011, tàu con thoi Discovery đã phóng lên sứ mệnh cuối cùng của mình, sứ mệnh STS-133. Đây là sứ mệnh tàu con thoi thứ 35 được phóng lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
––––– 

Hôm nay là ngày 24 tháng Giêng, nghĩa là Mặt Trăng đã đạt pha Trăng hạ huyền vào hôm qua. Vậy trong tuần lễ này bạn sẽ quan sát được những ngày cuối cùng của tuần trăng tháng Giêng.

Vào đêm nay, 20 tháng 2, cụm sao mở NGC 3114 trong chòm sao Carina (Sống thuyền) sẽ vào thời điểm tốt để quan sát. NGC 3114 sẽ mọc lên bầu trời từ 23:04 ở chân trời hướng nam. Nó lên cao nhất trên bầu trời vào lúc 23:52, cao 19° so với chân trời hướng nam. Nó sẽ lặn đi từ 00:45 sáng hôm sau ở chân trời hướng nam.

Với độ sáng +4,2. NGC 3114 thì có thể quan sát bằng mắt thường dù khá khó khăn, nhưng khi bạn quan sát ở những nơi tối, bạn có thể quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn để thấy rõ hơn.

Cũng trong đêm này, Mặt Trăng sẽ giao hội với Sao Thổ. Hai thiên thể này sẽ nằm cách nhau khoảng 3 độ trên bầu trời. Chúng sẽ mọc lên từ chân trời hướng đông lúc 01:46 ngày 21 tháng 2 và lên cao dần cho đến sáng.

Bạn cũng đừng quên quan sát Sao Kim và Sao Hỏa, là hai chấm sáng treo trên bầu trời hướng tây sau mỗi buổi chiều hoàng hôn. Hiện tại cả hai hành tinh đang trong thời gian khuất dần khỏi bầu trời, nên qua từng ngày chúng sẽ xuất hiện thấp hơn ở gần chân trời hướng tây.

Vào ngày cuối cùng của tuần, ngày 26 tháng 2, Mặt Trăng sẽ đạt pha Trăng mới. Nghĩa là Mặt Trăng sẽ không xuất hiện trên bầu trời vào ngày này, bạn sẽ có một đêm thật tối để quan sát bầu trời đầy sao.

Cũng trong ngày 26 tháng 2, nếu bạn sống ở phía nam của Nam Mỹ, của phía nam Châu Phi và nam Đại Tây Dương, bạn sẽ quan sát được Nhật thực hình khuyên. Đây là một loại nhật thực đem lại hình ảnh rất đẹp khi Mặt Trời bao xung quanh Mặt Trăng như một chiếc nhẫn lửa.

Thông tin chi tiết về Nhật thực hình khuyên ngày 26 tháng 2 đã được cập nhật trên Lịch thiên văn năm 2017 của Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay, mời bạn xem ngay tại lichthienvan.ftvh.org: Xem bài viết.
––––– 

Đó là tất cả những gì của tuần này. Chúc bạn một tuần làm việc tràn đầy năng lượng và gặt hái được những thành công. 

Chương trình được thực hiện bởi Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay.
• Nội dung:
Quang Niên
quangnien@ftvh.org,
Khánh Duy
khanhduy@ftvh.org
• Thuyết minh:
Nhật Minh
nhatminh@ftvh.org

Truy cập trang vutrutrongtamtay.org để cập nhật thêm tin tức thiên văn và sự kiện quan sát bầu trời.

Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi, hẹn gặp lại bạn vào 6 giờ sáng thứ hai tuần sau, ngày 27 tháng 2 năm 2017. Xin chào tạm biệt.