Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Nhật thực trên Sao Mộc bởi vệ tinh Amalthea

Đây là gì vậy? Là Sao Mộc, hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. Vậy còn vết đen kia là gì? Là bóng của mặt trăng Amalthea đổ lên bề mặt Sao Mộc. Và đây cũng là một trong những hình ảnh mới nhất được tàu vũ trụ Juno của NASA chụp vào ngày 1 tháng 9 vừa qua.

Bóng của vệ tinh Amalthea đổ lên bề mặt Sao Mộc. Hình ảnh chụp vào ngày 1 tháng 9 vừa qua bởi tàu vũ trụ Juno. Hình ảnh: NASA/JPL-Caltech/Gerald Eichstädt.
Bóng của vệ tinh Amalthea đổ lên bề mặt Sao Mộc. Hình ảnh chụp vào ngày 1 tháng 9 vừa qua bởi tàu vũ trụ Juno. Hình ảnh: NASA/JPL-Caltech/Gerald Eichstädt.

Lúc này, tàu Juno đang bay ngang Sao Mộc ở khoảng cách 3.858 cây số ở bên trên những đám mây ở vùng vĩ độ 17,6. Nhà thiên văn Gerald Eichstädt đã chỉnh sửa và thêm màu cho bức ảnh này.

Với số lượng vệ tinh dồi dào luôn chuyển động quanh mình, chắc hẳn nếu có sinh vật nào sống ở hành tinh này, sẽ được quan sát nhật thực khá là nhiều lần trong một khoảng thời gian.

Chưa đặt ra bàn tính để phân tích cụ thể, nhưng sự thật có lẽ không vui vẻ như thế đâu. Trái Đất của chúng ta lớn hơn Mặt Trăng 3,7 lần, nghĩa là trong cùng một thời gian, có một vùng khá lớn trên Trái Đất nhìn thấy được Mặt Trăng (lúc nhật thực).

Trong khi đó, sự chênh lệch của Sao Mộc với kích thước của vệ tinh Ganymede – vệ tinh lớn nhất của hành tinh này – là 26,6 lần, nghĩa là trong cùng một thời gian, có một vùng tương đối nhỏ quan sát được một vệ tinh nào đó của Sao Mộc (lúc nhật thực).

Đó là khi xét đến Ganymede – vệ tinh lớn nhất trong số những vệ tinh của Hệ Mặt Trời, chứ còn Amalthea trong hình này, cô ta chỉ là một mặt trăng bé nhỏ với đường kính chỉ khoảng 83,5 km.

Theo Thần thoại Hy Lạp, nữ thần Amalthea là mẹ nuôi được nhắc đến nhiều nhất của thần Zeus, bà là một con dê. Bà lấy tấm da dê của mình để bao bọc thần Zeus, lớn lên, ông biết ơn và vinh danh tấm da đó. Ở một số nền văn hóa, da dê được dùng để giữ ấm cho trẻ sơ sinh là vì lẽ thế.

Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa để tính ra xác suất quan sát được nhật thực tại một vùng nào đó trên Sao Mộc. Nhưng chắc chắn là, bất cứ lúc nào trên hành tinh này cũng có nhiều vết đen di chuyển, như trong hình ta đang xem đây.

Tuấn Anh