Nhật thực toàn phần năm 1995 ở Bình Thuận

![]() |
Nhật thực năm 1995 ở Bình Thuận. Hình ảnh: Báo Bình Thuận. |
Nhật thực lần đó có thể quan sát được ở cả Việt Nam cũng như những quốc gia lân cận, nhưng do tâm điểm đạt cực đại nằm trên Biển Đông, nên thị xã Phan Thiết ở ven biển chính là nơi quan sát được nhật thực tốt nhất. Sự kiện bắt đầu vào 9 giờ 38 phút sáng, đạt cực đại lúc 11 giờ 13 phút trưa rồi kết thúc lúc 12 giờ 55 phút.
Vào thời điểm diễn ra cực đại nhật thực, tại Phan Thiết trời nhiều mây và che khuất Mặt Trời vào thời khắc đó. Các nhà khoa học không thể quan sát được vành nhật hoa, tai lửa hay quan sát thấy các sao, hành tinh trên bầu trời ban ngày.
Dải nhật thực (những vùng quan sát được trọn vẹn hoặc gần toàn bộ pha cực đại nhật thực) rộng 78 km, đi qua các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận. Ở những trạm quan sát tại các tỉnh khác, các nhà khoa học ghi nhận được những hiện tượng khoa học lúc xảy ra nhật thực cực đại.
![]() |
Tem bưu chính Việt Nam với sự kiện nhật thực. Hình ảnh: Phanxipang blog. |
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, giám đốc nghiên cứu của Đài Thiên văn Paris, tác giả sách Vũ trụ: Phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại đang được phát hành rộng rãi khắp nước vào thời điểm đó, cũng có mặt ở Bình Thuận để trực tiếp quan sát và nghiên cứu khoa học lần nhật thực này.
Trong thế kỷ 20, Việt Nam quan sát được 37 lần nhật thực nhưng chỉ có 3 lần nhật thực toàn phần là vào năm 1929, năm 1955 và năm 1995. Lần nhật thực năm 1995 là sự kiện thiên văn lớn nhất ở Việt Nam của nửa sau thế kỷ 20. Mãi 75 năm sau, Việt Nam mới quan sát lại được một lần nhật thực toàn phần (chi tiết ở cuối bài).
![]() |
Trên núi Tà Zôn (Bình Thuận), giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu (huơ tay) và kỹ sư Bernard Darchy (ngồi trước máy tính) trò chuyện với các nhà báo. Hình ảnh: Đào Ngọc Đồng/Phanxipang blog. |
Phan Thiết lúc này là một thị xã ven biển nhỏ, nổi tiếng với đặc sản nước mắm chứ chưa phát triển du lịch mạnh mẽ. Lần nhật thực năm 1995 đã khiến nơi làng biển yên bình này lần đầu chứng kiến lượng du khách khổng lồ cũng như đủ mọi loại phương tiện giao thông, khiến nơi này được lần đầu nếm trải cảm giác kẹt xe như các đô thị lớn.
Thời điểm đó, người dân và chính quyền chưa quy hoạch và làm du lịch ở quy mô lớn, nên không thể đáp ứng được nhu cầu lưu trú và nghỉ dưỡng của khách du lịch. Những ngôi nhà của người dân bất đắc dĩ trở thành nhà trọ, lần đầu tiên nơi này đông vui đến thế.
![]() |
Một người đang quan sát nhật thực ở Sài Gòn năm 1995. Hình ảnh: Trần Đăng Chí. |
Mặc dù nhật thực đã đi qua, nhưng nắng gió đặc trưng của miền biển vẫn ở đó. Sự hoang sơ của thiên nhiên Phan Thiết đã níu chân rất nhiều người trở lại. Nhiều người lần đầu được biết đến vẻ đẹp tuyệt vời của đất trời biển gió nơi đây. Và thế là, du lịch biển Phan Thiết phát triển.
Từ sau sự kiện nhật thực năm 1995, rất nhiều nhà đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng sang trọng và cao cấp. Những khu khách sạn, resort với đủ kiểu thiết kế kiến trúc được mọc lên chạy dài bờ biển Phan Thiết.
![]() |
Nhật thực toàn phần ở Tà Zôn, Bình Thuận. Hình ảnh: Koutchmy/Phanxipang blog. |
Việt Nam trong tương lai sẽ quan sát được nhiều lần nhật thực, nhưng cũng chỉ là nhật thực một phần. Người dân Việt Nam sẽ quan sát được nhật thực toàn phần một cách trọn vẹn vào 8 giờ sáng ngày 11 tháng 4 năm 2070, lúc này thành phố Kon Tum và thành phố Quảng Ngãi sẽ quan sát được tốt nhất.
Mời đọc thêm:
• Nhật thực toàn phần nhìn từ Tà Zôn, bởi Phanxipang
• Đài RFI phỏng vấn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu về nhật thực, bởi vietsciences
• Total Solar Eclipse of 1995 Oct 24, bởi NASA Eclipse
• Cảm ơn nhật thực toàn phần, bởi Báo Bình Thuận
Quang Niên
tham khảo Phanxipang blog, NASA Eclipse, Báo Bình Thuận
tham khảo Phanxipang blog, NASA Eclipse, Báo Bình Thuận