Header Ads

Sự giao hội của hai sao chổi

Một màn giao hội thú vị giữa hai sao chổi được chụp ảnh lại trong một trường nhìn qua kính thiên văn với đầy sao sáng vào ngày 17 tháng 9 vừa qua.

Màn giao hội của hai sao chổi. Hình ảnh: Jose J. Chambo (Cometografia).
Màn giao hội của hai sao chổi. Hình ảnh: Jose J. Chambo (Cometografia).

Được phát hiện vào tháng 7 bởi hệ thống khảo sát bầu trời bằng máy tự động nhằm tìm kiếm siêu tân tinh, sao chổi C/2017 O1 ASASSN đang nằm ở góc trái dưới của hình ảnh này. Thứ ánh sáng xanh lục đầy mê hoặc của nó được tạo ra bởi sự huỳnh quang (sự phát ánh sáng khi phân tử hấp thụ năng lượng dạng nhiệt hoặc dạng quang) của phân tử carbon dưới ánh sáng Mặt Trời.

Sao chổi này đang tiến gần đến điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo), hiện chỉ cách Trái Đất khoảng 7,2 phút ánh sáng và có thể quan sát được qua ống nhòm. Cũng trong cùng một trường quan sát này, là sao chổi đuôi dài C/2015 ER61 PanSTARRS ở góc phải dưới của hình ảnh, hiện cách Trái Đất khoảng 14 phút ánh sáng. Hai sao chổi này hiện có độ sáng biểu kiến lần lượt là +9 và +8,5.

Và, cách xa địa cầu nhiều năm ánh sáng, là những chấm sáng đang điểm tô lên nền trời đen kia. Chúng là những vì tinh tú, những tinh vân bụi bặm của Ngân Hà. Cụm sao nổi tiếng Pleiades cũng xuất hiện trong cuộc gặp mặt này, đang ở góc phải trên của hình ảnh. Ngôi sao sáng nhất trong khung hình này, là 37 Tauri với cấp sao biểu kiến +4,36.

Hình ảnh: Jose J. Chambo (Cometografia).
Tải hình lớn.

Tuấn Anh
theo APOD