Header Ads

Bầu trời trong tuần từ 30/11 tới 6/12/2014

Hãy cùng quan sát bầu trời tuần lễ thứ nhứt của tháng 12 năm 2014 với những thiên thể sáng chói cùng những kỳ quan huyền ảo của bầu trời đêm bạn nhé. Tuần này bạn sẽ quan sát được các ngôi sao sáng xung quanh ba ngôi sao thẳng hàng của chòm sao Orion (Thợ săn), hành tinh Hỏa rời khỏi một chòm sao và Mặt Trăng nằm gần hai cụm sao của con bò vàng.

Bầu trời trong tuần từ 30/11 tới 6/12/2014
Bầu trời trong tuần từ 30/11 tới 6/12/2014

Chủ Nhật, 30/11/2014.
Nếu bạn có thể thấy những vì sao vào ban ngày, bạn sẽ quan sát được Mặt Trời bước vào khu vực của chòm sao Ophiuchus (Người giữ rắn). Đây là một trong những chòm sao hoàng đạo cho nên hằng năm sẽ có thời gian Mặt Trời đi qua chòm sao này, trong năm 2014, Mặt Trời sẽ đi qua chòm sao Ophiuchus từ 14 giờ ngày 30/11 cho tới ngày 8/12.

Đường hoàng đạo là đường thẳng tưởng tượng trên bầu trời mà Mặt Trời đi theo trên bầu trời trong suốt năm, đường hoàng đạo đi qua chòm sao nào thì chòm sao đó được gọi là chòm sao hoàng đạo, tức là sẽ có thời điểm Mặt Trời nằm trong khu vực chòm sao đó.

Bạn nên chú ý điều này. Khi bạn đọc báo hay các trang mạng về bói toán, chiêm tinh các cung hoàng đạo, họ sẽ đưa cho bạn danh sách 12 cung hoàng đạo và số phận, tính cách, ... của bạn sẽ bị lệ thuộc vào những gì họ viết. Tuy nhiên trong bộ môn khoa học là thiên văn học, có tới 13 chòm sao hoàng đạo, và chòm sao thứ 13 đó chính là chòm sao Ophiuchus. Ranh giới của các chòm sao hiện đại đã được đưa ra bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union) năm 1930 và trên đường hoàng đạo mà Mặt Trời đi qua có sự xuất hiện của chòm sao Ophiuchus.

Thứ hai, 1/12/2014.
Khi màn đêm buông xuống, bạn hãy nhìn về hướng đông để quan sát một chòm sao nổi bật của bầu trời đêm mùa đông. Chòm sao Orion thiệt là dễ nhận biết bởi ba ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau cũng những ngôi sao sáng ở khu vực này. Chòm sao này tượng trưng cho một chàng thợ săn, và bên dưới chàng là hai chú chó săn trung thành luôn theo bước. Chòm sao Orion sẽ mọc lên từ chân trời hướng đông sau 8 giờ tối và sau đó một tiếng thì hai chú chó săn trung thành sẽ mọc lên.

Chòm sao Orion cùng hai chòm sao Canis Major, Canis Minor. Tác giả : Mario Weigand.
Chòm sao Orion cùng hai chòm sao Canis Major, Canis Minor. Tác giả : Mario Weigand.

Bạn chỉ cần nhìn về hướng đông là có thể nhận biết ra được chòm sao Orion, nó không có gì khó để nhận ra. Chòm sao Canis Major (Chó lớn) có ngôi sao Sirius (Thiên Lang) là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là -1,46 (gấp hai lần sáng hơn so với ngôi sao sáng thứ nhì trên bầu trời đêm là sao Canopus), một phần làm cho nó sáng tới như vậy là do nó ở gần với chúng ta với khoảng cách khoảng 8,6 năm ánh sáng.

Thứ ba, 2/12/2014.
Đối với hầu hết các chòm sao khác chỉ có một ngôi sao sáng nổi trội, thì chòm sao Orion (Thợ săn) có tới hai ngôi sao sáng, đó là Rigel và Betelgeuse. Sao Rigel là sao sáng nhất chòm sao Thợ săn và là ngôi sao sáng thứ bảy trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là +0,13, trong khi sao Betelgeuse là sao sáng thứ nhì của chòm sao Orion và sáng thứ chín trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là +0,42. Bạn thậm chí có thể quan sát được hai ngôi sao này trong một đêm trăng sáng.

Chòm sao Thợ săn vào tháng cuối tháng 3/2013 ở Mjølfjell, Na Uy. Bạn có thể thấy ngôi sao màu đỏ nằm trên cao nhất của hình chính là sao Betelgeuse, ba ngôi sao thẳng hàng như trục đối xứng và qua đó bạn có thể thấy được sao Rigel màu trắng-xanh. Tác giả : Odd Høydalsvik.
Chòm sao Thợ săn vào tháng cuối tháng 3/2013 ở Mjølfjell, Na Uy. Bạn có thể thấy ngôi sao màu đỏ nằm trên cao nhất của hình chính là sao Betelgeuse, ba ngôi sao thẳng hàng như trục đối xứng và qua đó bạn có thể thấy được sao Rigel màu trắng-xanh. Tác giả : Odd Høydalsvik.

Hai ngôi sao sáng này nằm đối diện nhau qua thắt lưng của chàng thợ săn Orion (thắt lưng được tạo nên bởi ba ngôi sao sáng cách đều và thẳng hàng nhau).

Rigel được tượng trưng cho chân trái của chàng thợ săn, nó là một ngôi sao siêu khổng lồ trắng-xanh cách chúng ta khoảng 800 năm ánh sáng, nếu như sao Rigel ở khoảng cách bằng với khoảng cách của ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm Sirius là 8,6 năm ánh sáng thì nó sẽ sáng rạng rỡ hơn hành tinh Kim gấp nhiều lần.

Trong khi đó, Betelgeuse là một ngôi sao siêu khổng lồ đỏ được tượng trưng cho vai phải của thợ săn Orion. Nếu thay thế chỗ của Mặt Trời trong hệ Mặt Trời bằng ngôi sao Betelgeuse, thì bề mặt lớp ngoài cùng của ngôi sao này sẽ vươn tới gần quỹ đạo của hành tinh Mộc.

Thứ tư, 3/12/2014.
Hôm qua Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay đã giới thiệu bạn sử dụng ba ngôi sao thắt lưng của Orion làm trục đối xứng để nhận ra hai ngôi sao sáng Betelgeuse và Rigel. Bữa nay cũng là ba ngôi sao đó, bạn có thể nhận biết ra hai ngôi sao sáng khác thuộc hai chòm sao khác nau, đó là sao Sirius và sao Aldebaran.

Panorama những chòm sao mùa đông vào tháng 12/2009 ở Ba Tư (Y Lãng). Tác giả : Mahdi Zamani.
Panorama những chòm sao mùa đông vào tháng 12/2009 ở Ba Tư (Y Lãng). Tác giả : Mahdi Zamani.

Chòm sao Orion (Thợ săn) sẽ mọc lên từ chân trời hướng đông sau 8 giờ tối và bạn hãy quan sát nó để nhận ra ba ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau để tiếp tục cuộc hành trình tới hai ngôi sao sáng kia.

Từ ba ngôi sao thẳng hàng đó, bạn hãy kéo thẳng qua bên trái để gặp ngôi sao Sirius (Thiên Lang) thuộc chòm sao Canis Major (Chó lớn). Đây là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là -1,46 (gấp hai lần sáng hơn so với ngôi sao sáng thứ nhì trên bầu trời đêm là sao Canopus), một phần làm cho nó sáng tới như vậy là do nó ở gần với chúng ta với khoảng cách khoảng 8,6 năm ánh sáng.

Rồi cũng từ ba ngôi sao thẳng hàng đó, nhưng bạn hãy kéo thẳng qua phải để bắt gặp ngôi sao Aldebaran màu đỏ cam của chòm sao Taurus (Bò vàng). Đây là ngôi sao khổng lồ đỏ cách chúng ta khoảng 65 năm ánh sáng, nó là sao sáng nhất chòm sao Taurus với độ sáng biểu kiến là +0,87. Gần sao Aldebaran là một thiên thể thú vị, đó là cụm sao Pleiades (M45), bạn có thể tìm hiểu thêm về M45 tại bài viết này.

Thứ năm, 4/12/2014.
Hành tinh Hỏa nằm cách ngôi sao Beta Capricorni (β Capricorni) khoảng 8 thiên độ trên bầu trời chiều tối nay, hành tinh Hỏa có độ sáng biểu kiến là +1,2 trong khi sao β kia có độ sáng biểu kiến là 3. Vào giờ này ngày mai, hành tinh Hỏa sẽ rời khỏi khu vực của chòm sao Sagittarius (Người bắn cung) mà đi vô khu vực chòm sao Capricornus (Dê biển). Bạn hãy quan sát hành tinh Hỏa quan ống nhòm hay kính thiên văn để quan sát thấy đĩa hành tinh 5" của nó.

Thứ sáu, 5/12/2014.
Trăng gần tròn (ngày 6/12 là tròn) sẽ nằm trong chữ V của chòm sao Taurus (Bò vàng), chữ V này tượng trưng cho khuôn mặt của con bò vàng. Lúc này bên trái Mặt Trăng sẽ là cụm sao Pleiades (M45). bên phải là ngôi sao đỏ cam Aldebaran và ngay dưới đó là cụm sao Hyades, đây là cụm sao gần Thái Dương hệ nhất. Bạn hãy sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn để quan sát Mặt Trăng cùng cụm sao này, trăng sáng sẽ có thể làm ảnh hưởng tới việc quan sát của bạn.

Trăng non đầu tháng cùng vơi cụm sao Hyades ở bên trái và cụm sao Pleiades ở bên phải vào ngày 7 tháng tư năm 2011. Tác giả : Tavi Greiner.
Trăng non đầu tháng cùng vơi cụm sao Hyades ở bên trái và cụm sao Pleiades ở bên phải vào ngày 7 tháng tư năm 2011. Tác giả : Tavi Greiner.

Thứ bảy, 6/12/2014.
Trăng sẽ tròn vào lúc 19:28 tối nay. Đây là trăng rằm thứ ba của mùa thu năm 2014, nó sẽ sáng hơn so với những pha Mặt Trăng khác trong tháng âm lịch vì nó là trăng rằm. Trăng tròn tháng 10 âm lịch sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là -12,30 trong chòm sao Taurus (Bò vàng) từ 17:39 ở chân trời hướng đông, lên cao nhất vào 23:55 rồi cho tới 05:18 thì nó sẽ lặn đi ở chân trời hướng tây.

+Anh Tuấn Nguyễn tham khảo từ Astronomy và EarthSky