Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Ngày này năm xưa: Ngày mất nhà bác học người Ý Galileo Galilei

Ngày này năm xưa: Ngày mất nhà bác học người Ý Galileo GalileiNgày 8 tháng 1 năm 1642, nhà bác học Galileo Galilei, cha đẻ của khoa học hiện đại, người có nhiều đóng góp lớn vào vật lý, thiên văn học, vũ trụ học, toán học và triết học, đã qua đời.

Ông là người phát minh ra kính thiên văn đầu tiên để dùng quan sát và mô tả các vệ tinh của Sao Mộc, vành đai của Sao Thổ, các pha của Sao Kim, vết đen Mặt Trời và bề mặt gồ ghề của Mặt Trăng.

Sự uyên thâm khiến ông trở thành kẻ thù của giai cấp thống trị thời bấy giờ ở Italia, là những nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Sự vận động một vũ trụ theo mô hình nhật tâm của ông đã đưa ông ra tòa án vào năm 1616 và 1633, phiên tòa nhằm kết án và buộc ông phải từ bỏ quan điểm và bị quản thúc tại nhà trong suốt cuộc đời.

Chân dung Galileo Galilei bởi họa sĩ Giusto Sustermans vẽ vào năm 1636.
Chân dung Galileo Galilei bởi họa sĩ Giusto Sustermans vẽ vào năm 1636.

Galileo Galilei sinh ra ở Pisa vào năm 1564, là con cả trong gia đình có 6 người con. Cha ông là Vincenzo Galilei, một nhạc sĩ và là một học giả. Năm 1581, ông vào Đại học Pisa để theo học ngành y, nhưng đã sớm bị lạc hướng bởi sự ham thích Toán học.

Năm 1583, ông đã thực hiện phát hiện quan trọng đầu tiên của mình, là mô tả các quy tắc chi phối sự chuyển động của con lắc. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục thực hiện nhiều thí nghiệm với chuyển động và đồ vật rơi, mà sau này có đóng góp rất quan trọng cho ngành vật lý.

Năm 1609, Galileo chế tạo chiếc kính thiên văn đầu tiên của mình, cải tiến dựa trên chiếc kính quan sát của người Hà Lan. Tháng 1 năm 1610, ông quan sát và phát hiện thấy bốn 'ngôi sao' mới quay xung quanh Sao Mộc. Giờ đây chúng ta biết được rằng đó là bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc [Đọc bài viết].

Nhanh chóng sau đó, ông viết một bài luận ngắn phác thảo khám phá của mình. Ông đặt tựa cho nó là "Siderius Nuncius" (Sứ giả Ánh sao). Tác phẩm này còn chứa nhiều quan sát về bề mặt của Mặt Trăng cũng như mô tả một số ngôi sao mới trong dải Ngân Hà. [Đọc "Sứ giả Ánh sao"]

Tác phẩm "Sứ giả Ánh sao" khiến Galileo trở nên rất nổi tiếng ở Italia. Công tước Cosimo II bổ nhiệm ông làm nhà Toán học và Triết học cho nhà Medici. Điều này cho ông thuận lợi để công bố lý thuyết của mình và phủ định những lý thuyết không đúng khác.

Những quan sát của Galileo mâu thuẫn với quan điểm của Aristotle về vũ trụ, nhưng sau đó được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà khoa học và nhà thần học. Bề mặt gồ ghề của Mặt Trăng trái lại với sự hoàn hảo của mọi thứ trên trời, những "ngôi sao" quay quanh Sao Mộc vi phạm thuyết địa tâm, cho rằng vạn vật đều phải quay quanh Trái Đất.

Năm 1616, Giáo hội Công giáo ban lệnh cấm cuốn sách "De Revolutionibus" của Nicholas Copernicus về lập luận khoa học chứng minh cho thuyết nhật tâm, khi Mặt Trời làm trung tâm chứ không phải Trái Đất.

Galileo bị triệu tập đến Tòa án dị giáo La Mã vào năm 1633 vì ông chủ trương ủng hộ thuyết nhật tâm. Ông bị kết tội "có thái độ nghi ngờ kịch liệt của lạc giáo" và buộc ông phải từ bỏ quan điểm của mình.

Sau đó, Galileo sống 9 năm cuối đời tại tư gia và bị quản thúc. Trong thời gian này ông viết một bản tóm tắt về các thí nghiệm chuyển động đầu tiên của ông, và chúng đã trở thành công trình khoa học vĩ đại cuối cùng của ông.

Thí nghiệm chuyển động của Gelileo đã mở đường cho cơ học cổ điển của Isaac Newton. Mô hình nhật tâm của ông (cùng sự chỉnh sửa của Kepler) đã nhanh chóng được chấp nhận như là một điều hiển nhiên. Những phát minh của ông, la bàn, kính hiển vi, thiết bị cân bằng để cải thiện kính viễn vọng, đều mở đầu cuộc cách mạng thiên văn học và sinh học.

Năm 1744, cuốn sách bị cấm của Galileo được gỡ bỏ khỏi danh sách sách cấm của Giáo hội. Vào thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Pius XII và John Paul II tuyên bố chính thức sự hối tiếc về cách mà Giáo hội đã đối xử với Galileo.

Những người đời sau thường nhắc đến câu chuyện của ông như một người chết vì quan điểm của mình. Một số học giả sau này xét thấy câu chuyện còn nhiều điều nhỏ nhặt hơn nữa, phản ánh thực tế về sự mâu thuẫn vốn có giữa tôn giáo và khoa học vào thời đó.

Ngoài ra, ngày này của năm 1942 là ngày nhà khoa học Stephen Hawking người Anh sinh ra. Ba trăm năm trước ngày Hawking sinh ra chính là ngày mất của Galileo. [Đọc bài viết]

Quang Niên
Theo History