Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Năm Mậu Tuất quan sát những chú chó trên bầu trời

Năm mới đã đến, không khí se lạnh của ngày Tết cổ truyền len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Năm 2018 âm lịch là năm Mậu Tuất, con giáp của năm là Chó. Nhân dịp năm Chó, hãy cùng ngước mắt lên bầu trời và tìm ra những chú chó trên bầu trời bạn nhé.

Năm Mậu Tuất quan sát những chú chó trên bầu trời

Chó là một trong những động vật được con người thuần hóa từ rất sớm, cách đây khoảng 15.000 năm vào cuối Kỷ Băng hà. Nhờ vào các giác quan phát triển mạnh, đây là một loài vật rất nhạy bén nên được con người sử dụng trong các công việc thường ngày như đi săn hay trông giữ nhà cửa.

Hai chú chó trung thành của chàng thợ săn Orion


Khi quan sát bầu trời đêm mùa đông, chúng ta không thể bỏ lỡ được Lục giác mùa đông. Đây là một nhóm sao được tạo thành từ sáu đỉnh là bảy ngôi sao sáng từ sáu chòm sao nổi bật nhất của đêm đông đầy sao.

Nhìn về khu vực phía nam của hình lục giác này, bạn sẽ tìm ra được cho mình chàng thợ săn Orion cùng hai chú chó trung thành của là Canis Major – chú chó lớn, cùng Canis Minor – chú chó nhỏ hơn, luôn đuổi theo từng bước chân của anh ấy.

   Kể chuyện thần thoại 

Canis Major được mô tả trong tư thế đứng bằng hai chân sau để sẵn sàng tư thế vồ ra trước mà chụp lấy chú thỏ con mồi, chính là chòm sao Lepus ở ngay cạnh đó. Đây là chú chó với khuôn mặt rạng rỡ bởi nó sở hữu cho mình ngôi sao Sirius – ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm.

Theo Thần thoại Hy Lạp, Canis Major là Laelaps, chú chó chạy nhanh nhất thế giới mà không có bất kỳ loài hoang dã nào có thể đuổi kịp được. Thần Zeus tặng chú chó Laelaps cho nữ thần Europa cùng một chiếc lao phóng để làm quà.

Chồng của bà là thần Cephalus lấy làm thích thú, bèn dắt ngay chú chó này theo chuyến đi săn của mình. Nhưng rất tiếc, nữ thần Europa vô tình bị giết chết bởi chiếc lao được phóng đi từ chính tay của chồng mình trong buổi đi săn đó.

Thần Cephalus đưa con chó đến chỗ của thần Thebes ở Boeotia (một thành phố nằm về phía bắc của Athens, Hy Lạp ngày nay) để bắt về cho bằng được một con cáo hoang đang phá phách trong vùng.

Nhưng con cáo này cũng một chín một mười với chó Laelaps, nó chạy rất nhanh và không ai có thể bắt được nó. Cả hai con vật cứ mãi chạy đuổi nhau trong tình trạng bất phân thắng bại, thần Zeus thấy vậy bèn biến cả hai thành đá và đưa chú chó Laelaps lên trời thành chòm sao Canis Major, còn con cáo kia là chòm sao Vulpecula.

Chú chó lớn Canis Major chỉ xuất hiện cao trên bầu trời vào mùa đông, trong khi vào mùa hè khi các chòm sao mùa đông đã tạm lánh mặt, thì con cáo Vulpecula mới xuất hiện và nằm lọt tỏm vào bên trong nhóm sao Tam giác mùa hè.

Chòm sao Canis Major trong bộ họa phẩm Urania's Mirror của họa sĩ Sidney Hall, bên cạnh nó là chòm sao Lepus và Columba bị mất một phần. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Chòm sao Canis Major trong bộ họa phẩm Urania's Mirror của họa sĩ Sidney Hall, bên cạnh nó là chòm sao Lepus và Columba bị mất một phần. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Canis Minor là một chú chó khác của chàng Orion với kích thước nhỏ hơn. Theo Thần thoại Hy Lạp, chòm sao này là Maera, con chó nuôi của vị thần xui xẻo Icarius. Vị thần này về sau bị giết chết bởi chính bè bạn của mình khi họ lao vào một cuộc ẩu đã khi bữa tiệc rượu say mèm đang diễn ra.

Chú chó Maera thấy vậy bèn chạy đi báo cho con gái của ông ta là Erigone biết chuyện. Cô gái khi trông thấy thi thể của cha, trở nên đau buồn và quyết định tự tử. Erigone treo cổ mình cùng con chó Maera rồi cả hai cùng nhảy xuống vực sâu mà chết.

Thần Zeus thấy vậy, bèn cho họ lên bầu trời. Thần Icarius là chòm sao Boötes với hình ảnh một người chăn gia súc, cô con gái Erigone trở thành chòm sao Virgo mang hình ảnh một cô thiếu nữ trong trắng, còn chú chó Maera trở thành Canis Minor – chú chó nhỏ của chàng thợ săn Orion.

Chòm sao Canis Minor cùng chòm sao Monoceros và chòm sao Atelier Typographique không được công nhận chính thức trong bức tranh thuộc loạt tranh Urania's Mirror của họa sĩ Sidney Hall vẽ năm 1825. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Chòm sao Canis Minor cùng chòm sao Monoceros và chòm sao Atelier Typographique không được công nhận chính thức trong bức tranh thuộc loạt tranh Urania's Mirror của họa sĩ Sidney Hall vẽ năm 1825. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

   Quan sát trên bầu trời 

Tháng 2 không phải là thời điểm thích hợp để quan sát các chòm sao mùa đông, nhưng ta vẫn có thể quan sát được chúng ở cao trên đỉnh đầu khi màn đêm vừa buông xuống và lặn dần đi ở bầu trời hướng tây vào nửa đêm.

Ngay từ khi Mặt Trời vừa lặn và màn đêm kéo đến bao phủ trời đất, bạn hãy nhìn cao ở bầu trời hướng đông để nhận lấy những châu báu của bầu trời. Hai chú chó cùng chàng thợ săn là một nửa của nhóm sao Lục giác mùa đông.

Trước tiên hãy tìm ra cho mình chàng thợ săn Orion với ba ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau rất nổi bật, đây là chiếc thắt lưng của chàng thợ săn. Từ đây, hãy kéo thẳng về hướng nam để thấy được một ngôi sao rất sáng, đó là sao Sirius của chòm sao Canis Major, chú chó lớn.

Quay lại chòm sao Orion, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một điều nữa, là ở hai bên chiếc thắt lưng có hai ngôi sao sáng nằm đối xứng nhau. Một ngôi sao nằm về phía bắc với màu đỏ cam, là sao Betelgeuse và ngôi sao còn lại với màu lam trắng, tên là Rigel.

Sao Betelgeuse và sao Sirius tạo thành một nhóm sao nhỏ hơn cùng với sao Procyon của chòm Canis Minor, nằm bên trong Lục giác mùa đông, được gọi là nhóm sao Tam giác mùa đông.

   Các thiên thể nổi bật 

Nhắc tới Canis Major không thể bỏ qua ngôi sao sáng Sirius, đây là ngôi sao nằm gần thứ 5 với Hệ Mặt Trời và sáng nhất trên bầu trời đêm của Trái Đất. Sirius thật ra là một hệ sao đôi với độ sáng biểu kiến là -1,42 và nằm cách chúng ta 8,6 năm ánh sáng.

Mỗi ngôi sao trong hệ sao đôi Sirius nằm cách nhau dao động từ 8,1 đến 31,5 đơn vị thiên văn, và cả hai chuyển động quanh tâm chung mỗi 50 năm một chu kỳ. Tuổi thọ ước tính của chúng vào khoảng từ 200 đến 300 triệu năm tuổi. Bạn sẽ không thấy được sự tách biệt của hai ngôi sao này mà chỉ thấy nó là một điểm sáng thống nhất trên bầu trời.

Sirius A có lớp quang phổ là A1V, thuộc sao dải chính màu trắng trong khi Sirius B là một sao lùn trắng với lớp quang phổ DA2. Sirius A có khối lượng gấp đôi và độ sáng gấp 25 lần so với Mặt Trời của chúng ta, ngôi sao đồng hành với nó chỉ có khối lượng bằng 0,98 lần so với Mặt Trời nhưng nó là một trong những sao lùn trắng nặng nhất từng được biết tới.

Tên gọi Sirius trong tiếng Hy Lạp là Σείριος (Seirios), nghĩa là "bùng cháy" hay "rạng rỡ" bởi nó quá sáng trên bầu trời. Ngôi sao này cùng các chòm sao mùa đông sẽ mọc lên bầu trời sáng sớm trong những ngày mùa hè, người Hy Lạp và La Mã cổ đại trông thấy thế nên cho rằng chính năng lượng từ nó làm mùa hè trở nên nóng bức.

Sirius, ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm. Hình ảnh: Tommy Hsu/Getty Images.
Sirius, ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm. Hình ảnh: Tommy Hsu/Getty Images.

Hãy hướng ống kính quan sát đến khu vực của chòm sao này và tìm ra cho mình Messier 41 nhé, đây là một cụm sao mở nằm về 4 độ nam so với sao Sirius. Cụm sao này chứa khoảng 100 ngôi sao bên trong và có độ sáng biểu kiến là +4,5, nghĩa là bạn có thể quan sát được nó rất dễ dàng.

Khó khăn hơn để quan sát, NGC 2207IC 2163 là hai thiên hà xoắn ốc đang sáp nhập vào nhau, với độ sáng biểu kiến +12,2 và +11,6, bạn sẽ cần một chiếc kính thiên văn đủ mạnh để nhìn thấy được cảnh tượng hùng vĩ của hai thiên hà trong thời gian nhập thể.

Chòm sao chú chó nhỏ với ngôi sao Procyon sáng thứ bảy trên bầu trời, ở khoảng cách 11,41 năm ánh sáng, nó là ngôi sao nằm gần thứ 13 với Hệ Mặt Trời và có độ sáng biểu kiến là +0,34 trên bầu trời đêm của Trái Đất.

Procyon cũng là một hệ sao đôi, cả hai ngôi sao trong hệ này đều là sao lùn trắng thuộc sao dải chính. Procyon A với lớp quang phổ F5 IV, nặng hơn 1,4 lần và sáng hơn 7,5 lần so với Mặt Trời. Procyon B là sao lùn trắng quang phổ DA mờ nhạt hơn, chỉ nặng hơn 0,6 lần.

Khu vực chòm sao Canis Minor có rất nhiều thiên thể sâu thẳm nhưng phần lớn chúng đều rất mờ nhạt và khó quan sát được. Thiên hà sáng nhất nằm trong chòm sao này là NGC 2485 nằm về 3,5 độ bắc so với sao Procyon, cũng có độ sáng biểu kiến mãi +12,4, rất mờ nhạt.

Gã chăn gấu và hai chú chó săn


Thật trùng hợp khi thời điểm đón năm mới năm nay, năm con chó, cũng là thời gian mà chúng ta quan sát tốt các chòm sao mang hình ảnh loài chó trên bầu trời. Khi những chòm sao của bầu trời đêm mùa đông lui về trời tây, thì những chòm sao của mùa xuân dần mọc cao lên ở bầu trời hướng đông.

Hãy cùng đến với một chòm sao mang hình ảnh chó trên bầu trời mùa xuân: Canes Venatici, hai chú chó săn của người thợ săn gấu Boötes.

   Kể chuyện 

Đây là một chòm sao nhỏ không quá nổi bật, nên ít có những câu chuyện nào về nó. Chòm sao Boötes được mô tả vào năm 1533 trong bản đồ sao của nhà thiên văn Peter Apian người Đức là người thợ săn gấu dẫn hai con chó đi theo ở bên cạnh.

Thế là sau đó, nhà thiên văn Johannes Hevelius người Ba Lan vào thế kỷ 17 đã quyết định xác định vị trí của con chó này trên bầu trời. Ông đã chọn ra những ngôi sao sáng ở gần chòm sao Boötes và gán vào đó, chú chó ở phía bắc tên là Asterion cùng chó ở phía nam là Chara. Chú chó Chara là sao beta của chòm sao này.

Chòm sao Boötes với hình ảnh người thợ săn gấu, dắt theo hai chú chó săn của mình là chòm sao Canes Venatici, trong tranh cũng có sự xuất hiện của chòm sao Coma Berenices và Quadrans Muralis. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Chòm sao Boötes với hình ảnh người thợ săn gấu, dắt theo hai chú chó săn của mình là chòm sao Canes Venatici, trong tranh cũng có sự xuất hiện của chòm sao Coma Berenices và Quadrans Muralis. Hình ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

   Quan sát trên bầu trời 

Chòm sao này chiếm một diện tích khá nhỏ trên bầu trời nhưng bạn vẫn dễ dàng nhận ra được vì xung quanh nó toàn là những sao sáng. Trong những đêm tháng 2 này, chòm sao này sẽ mọc lên bầu trời hướng đông bắc từ sau 22 giờ, hãy quan sát từ sau nửa đêm để có đầy đủ các chòm sao dẫn đường.

Từ nửa đêm bạn hãy nhìn về bầu trời hướng bắc để thấy nhóm bảy ngôi sao nổi bật là Nhóm sao Bắc Đẩu trong chòm sao Ursa Major, chú gấu lớn. Từ phần tay cầm của chiếc đẩu này, bạn hãy đánh một vòng cung về hướng đông sẽ thấy được ngay ngôi sao Arcturus của chòm sao Boötes.

Canes Venatici là hai chú chó săn của người thợ săn gấu, vì thế nó sẽ nằm giữa chòm sao thợ săn gấu Boötes và chòm sao chú gấu lớn Ursa Major. Hình ảnh của chòm sao này là hai chú chó săn đuổi theo và cắn vào đuôi của chú gấu lớn ở ngay khu vực bầu trời bên cạnh.

   Các thiên thể nổi bật 

Cor Caroli hay Alpha Canum Venaticorum (α CVn) là con chó ở phía bắc, là ngôi sao sáng nhất của chòm sao này, với độ sáng biểu kiến dao động từ +2,84 đến +2,98. Tên gọi của nó có nghĩa là "trái tim của Charles", được đặt bởi nhà toán học và vật lý học Charles Scarborough dành cho Vua Charles Đệ nhị.

Cor Caroli là một hệ sao đôi, hai ngôi sao trong hệ nằm tách biệt nhau khá rõ, với khoảng cách 19,6 giây cung trên bầu trời. Ngôi sao này cùng với sao Denebola của chòm sao Leo, Spica của chòm sao Virgo và Arcturus của chòm sao Boötes, tạo thành một nhóm sao có tên gọi là Hình vuông lớn của Virgo hay Viên kim cương của Virgo.

Chara hay Beta Canum Venaticorum (β CVn) là ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao này, và nó là con chó ở phía nam. Ngôi sao này có độ sáng biểu kiến là +4,26 và có nhiều tính chất như độ tuổi hay khối lượng tương đồng với Mặt Trời của chúng ta, và đôi khi còn được gọi là người anh em của Mặt Trời.

Mặc dù chiếm một vùng khiêm tốn trên bầu trời, nhưng chòm sao này sở hữu khá nhiều thiên thể sáng và nổi bật thích hợp cho những nhà quan sát bầu trời nghiệp dư hướng ống kính đến.

Đầu tiên không thể bỏ qua Messier 3, một cụm sao cầu nằm cách chúng ta 33.900 năm ánh sáng và có độ sáng biểu kiến là +6,2. Chứa bên trong mình khoảng 500.000 ngôi sao, cụm sao này rất già và ước tính có tuổi đời vào khoảng 8 tỷ năm.

Tiếp theo thật thiếu sót nếu không nhắc tới Messier 51 - Thiên hà Xoáy nước, một trong những thiên hà nổi tiếng nhất trên bầu trời đêm. Thiên hà này với thiết kế hình xoắn ốc như Ngân Hà của chúng ta, và còn nối kết với một thiên hà lùn khác là NGC 5195. Thiên hà Xoáy nước với độ sáng biểu kiến +8,4 có thể xuất hiện rõ ràng khi bạn quan sát qua ống nhòm.

Trong những đêm giao mùa, bầu trời đêm sẽ không có sự xuất hiện của Mặt Trăng và đây là thời gian tốt để bạn quan sát bầu trời. Còn gì tuyệt vời hơn khi tự thưởng thức cho mình những đêm thức trắng để quan sát bầu trời và chuẩn bị cho một năm mới tràn đầy năng lượng.

Nhân dịp năm mới đến, Ftvh chúc các bạn có một năm thật đam mê và hoài bão, hoàn thành tốt mọi công việc, duy trì tốt mọi mối quan hệ, và luôn cháy bỏng niềm khát khao chinh phục của mình với những cột mốc mới nhé.

Quang Niên