Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Trái Đất có bao nhiêu mặt trăng ?

Nhìn lên bầu trời đêm và đếm các mặt trăng của Trái Đất, bạn chỉ có thể thấy được một mặt trăng, đó là Mặt Trăng của chúng ta. Bạn chú ý rằng "mặt trăng hay "moon" khi viết thường là để chỉ chung các vệ tinh tự nhiên của những hành tinh, còn "Mặt Trăng" hay "The Moon" khi viết in là để chỉ "chị Hằng" của Trái Đất chúng ta. Liệu Trái Đất còn có mặt trăng nào khác ? Những hành tinh trong hệ Mặt Trời có nhiều mặt trăng là chuyện bình thường, hành tinh Mộc có đến 67 mặt trăng và thậm chí hành tinh Hỏa cũng có đến 2 mặt trăng giống tiểu hành tinh.

Sự hình thành của Mặt Trăng. Credit : NASA/JPL-Caltech.
Sự hình thành của Mặt Trăng. Credit : NASA/JPL-Caltech.

Câu trả lời chính thức cho câu hỏi ở tựa đề bài viết là Trái Đất chỉ có một mặt trăng duy nhất là Mặt Trăng. Và được tính vào ngày hôm nay.

Trong quá khứ hàng triệu hay hàng tỷ năm trước đây, có thể Trái Đất có nhiều hơn một mặt trăng. Nhiều mặt trăng đã có thể đến với Trái Đất và rời khỏi nó trong suốt quá trình lịch sử lâu dài từ lúc hành tinh xanh được hình thành đến nay.

Những mặt trăng đến rồi đi với hành tinh là chuyện đương nhiên và hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng nó đi bằng kiểu nào thì cũng có nhiều kiểu. Thí dụ như mặt trăng Phobos của hành tinh Hỏa đang dần tiến sâu vào bên trong chứ không phải càng đi ra ngoài như Mặt Trăng của Trái Đất, và trong vòng 10 triệu năm tới, Phobos sẽ đâm sầm vào hành tinh Hỏa rồi lúc đó hành tinh đỏ chỉ còn một mặt trăng duy nhất là Deimos.

Và câu chuyện tiếp theo này vẫn có thể xảy ra với Trái Đất trong tương lai. Hành tinh Hải Vương có mặt trăng lớn nhất là Triton, mặt trăng này có quỹ đạo ngược lại với những mặt trăng còn lại của hành tinh này. Điều này cho chúng ta thấy rằng Triton là một thiên thể thuộc vành đai Kepler mà bị Hải Vương tinh bắt cóc vì nó đã to gan dám đi lại gần hành tinh này.

Trong thực tế, Trái Đất đã bắt cóc được một tiểu hành tinh rộng 5 mét có tên gọi là 2006 RH120. Nó có quỹ đạo bay quanh Trái Đất bốn lần trong suốt năm 2006 và 2007 trước khi nó rời khỏi.

Vì thế chúng ta vẫn có thể giả định những sự kiện như thế này từng diễn ra trong quá khứ. Ngoài ra, chúng ta có thể có những mặt trăng nhỏ, nhưng vì quá nhỏ nên khó có thể phát hiện. Các nhà nghiên cứu ước tính có thể tồn tại những tiểu hành tinh nhỏ vài mét xoay quanh quỹ đạo của Trái Đất và ở đó vài trăm năm trước khi bị đẩy đi.

Và cũng có nhiều thiên thể khác tương tác hài hòa với quỹ đạo của Trái Đất một cách lạ lùng, tiểu hành tinh 3753 Cruithne cũng là một trong những kiểu thiên thể này. Quỹ đạo của nó rất là lạ thường, nhưng nó mất đúng 1 năm để quay một vòng xung quanh Mặt Trời. Khi nhìn lên bầu trời, nó sẽ di chuyển như hình móng ngựa và chậm rãi. Kể từ khi tiểu hành tinh Cruithne được phát hiện vào năm 1986, nhiều thiên thể tương tác với Trái Đất như thế cũng được phát hiện.

Tiểu hành tinh 2010 TK7, được biết đến như là trojan của Trái Đất. Nó đi theo Trái Đất để hoàn thành vòng quay quanh Mặt Trời trong một quỹ đạo khá là chính xác.

Nói tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi này là : Trái Đất chỉ có một mặt trăng duy nhất là Mặt Trăng và được tính vào ngày hôm nay. Chúng ta có thể có nhiều mặt trăng hơn trong quá khứ và trong tương lai, nhưng hôm nay bạn hãy thưởng thức vẻ đẹp của Mặt Trăng của chúng ta.

Anh Tuấn Nguyễn theo Fraser Cain