Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Sao chổi xanh lam trong Cụm sao Hyades

Sao chổi xanh lam trong Cụm sao HyadesNhững ngôi sao của cụm sao Hyades đang nằm rải rác trong hình ảnh góc rộng này, vùng không gian này trải rộng 5 độ trên bầu trời trong khu vực chòm sao Taurus. Một thiên thể đang chu du Hệ Mặt Trời mà bạn cũng có thể thấy được trong hình ảnh này, sao chổi C/2016 R2 PanSTARRS với màu sắc xanh lam nổi bật.

Sao chổi xanh lam trong Cụm sao Hyades. Hình ảnh: Rogelio Bernal Andreo (Deep Sky Colors).
Sao chổi xanh lam trong Cụm sao Hyades. Hình ảnh: Rogelio Bernal Andreo (Deep Sky Colors).

Hình ảnh này được chụp vào ngày 12 tháng 1 vừa qua. Hãy cùng xem qua những điểm nhấn đáng chú ý trong ảnh. Phần chóp ngọn của nhóm sao Hyades có hình dạng chữ V đang nằm gần phía trên ở giữa của ảnh; trong khi ngôi sao Aldebaran, sao alpha của chòm sao Taurus đang chiếm mọi ánh nhìn ở góc dưới bên phải của ảnh.

Là một sao khổng lồ đỏ và không quá nóng, bạn dễ dàng tìm thấy ngôi sao này với màu sắc cam nổi bật trên bầu trời. Trong khi những ngôi sao của cụm sao Hyades cùng nhau nằm cách chúng ta khoảng 151 năm ánh sáng, thì sao Aldebaran chỉ ở đâu đó 65 năm ánh sáng; tức là chúng hoàn toàn không liên quan đến nhau trong không gian thực tế.

Vào ngày 12 tháng 1 vừa rồi, C/2016 R2 nằm cách hành tinh Trái Đất là 17 phút ánh sáng và cách Mặt Trời là 24 phút ánh sáng (một phút ánh sáng bằng 1,799×10^7 km; từ Trái Đất đến Mặt Trời bằng 8,317 phút ánh sáng).

Phần đuôi màu xanh lam của nó gồm chủ yếu là khí CO+ phát sáng bởi ánh sáng Mặt Trời; trong khi phần đầu của sao chổi có một chút màu xanh lục đầy mê hoặc, là khí carbon diatomic phát thải vào không gian.

> Tải hình lớn (2048 px × 1439 px – 3,10 MB)

Khánh Duy
theo APOD