Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Ngày này năm xưa: Giuseppe Piazzi phát hiện ra hành tinh lùn Ceres

Ngày này năm xưa: Giuseppe Piazzi phát hiện ra hành tinh lùn CeresNgày 1 tháng 1 năm 1801, nhà toán học và thiên văn học Giuseppe Piazzi người Ý đã phát hiện ra Ceres, ngày nay là thiên thể lớn nhất của vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Ceres là hành tinh lùn lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Hình ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ Dawn vào ngày 21 tháng 10 năm 2015.
Ceres là hành tinh lùn lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Hình ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ Dawn vào ngày 21 tháng 10 năm 2015.

Sinh thời, Giuseppe Piazzi là một nhà khoa học trong lĩnh vực toán học và thiên văn học, mặc dù không có quá nhiều tài liệu ghi chép lại việc này. Ông đã thực hiện một số nghiên cứu ở Turin, Ý và tham gia cùng nhà vật lý Giovanni Battista Beccaria.

Ông nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học trong suốt nhiều năm. Ngày 19 tháng 1 năm 1787, ông chính thức trở thành giáo sư thiên văn học. Trong thời gian này, ông đến Paris và Luân Đôn để nghiên cứu thiên văn và gặp gỡ nhiều nhà thiên văn cùng thời. Ông có vai trò quan trọng cho Đài thiên văn Palermo, nơi ông thực hiện những quan sát.

Piazzi đã quan sát bầu trời trong nhiều đêm và nhận thấy có một "vật thể giống sao" di chuyển ngược lại với các ngôi sao khác trên bầu trời. Ban đầu ông không để ý, nhưng khi nhận thấy sự chuyển động kỳ lạ này, ông đã tin chắc là một hành tinh và gọi nó là "một ngôi sao mới".

Ông mô tả vật thể mới này trong bài viết của mình, như sau:

“Ánh sáng hơi mờ nhạt, và mang màu sắc như của Sao Mộc, nhưng cũng giống với nhiều thiên thể khác với cấp sao biểu kiến mức 8. Vì vậy tôi nghi ngờ nó là một định tinh (ngôi sao cố định). Vào đêm thứ hai, tôi tiếp tục thực hiện lại các quan sát và nhận thấy vị trí của nó đã bị dịch đi khá xa cũng như không đúng với vị trí mà tôi dự đoán trước, tôi bắt đầu nghi ngờ tính chính xác của nó. Sau một hồi suy nghĩ, tôi nghi ngờ đó có thể là một ngôi sao mới.

Vào đêm thứ ba, nghi ngờ của tôi đã trở thành khẳng định chắc chắn, đảm bảo rằng đó không phải là một định tinh hay hằng tinh. Tuy nhiên, trước khi để mọi người biết đến nó, tôi đợi đến hết buổi quan sát thứ tư, khi tôi đã hài lòng về sự dịch chuyển của nó vẫn giữ đúng với tỷ lệ của những đêm trước.”

Giuseppe Piazzi là một nhà toán học và thiên văn học người Ý sinh trưởng tại Ponte in Valtellina, và mất ở Naples. Ông có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực mình nghiên cứu nhưng nổi bật nhất chính là phát hiện hành tinh lùn Ceres.
Giuseppe Piazzi là một nhà toán học và thiên văn học người Ý sinh trưởng tại Ponte in Valtellina, và mất ở Naples. Ông có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực mình nghiên cứu nhưng nổi bật nhất chính là phát hiện hành tinh lùn Ceres.

Mặc dù ông cho rằng đó là một hành tinh, nhưng ông lại đi theo lối mòn và công bố đó là một sao chổi. Trong bức thư gởi nhà thiên văn học Barnaba Oriani ở Milan, ông cho thấy sự không chắc chắn của mình:

“Tôi đã công bố ngôi sao đó là một sao chổi, nhưng bởi vì không thể tìm thấy sự bùng phát vật chất ở xung quanh, và vì chuyển động của nó là quá chậm và khá đồng nhất, nên tôi nhiều lần đã nghĩ đó là một thứ gì đó tốt hơn sao chổi. Nhưng tôi đã cẩn thận không đưa giả thuyết này ra cho công chúng.”

Ông không quan sát được nó đủ lâu vì sau đó nó nhanh chóng bị ánh sáng chói chang của Mặt Trời làm lu mờ. Ông không tính được quỹ đạo của nó bằng các phương pháp tính toán đương thời, nhà toán học Carl Friedrich Gauss đã phát triển một công thức giúp các nhà thiên văn có thể tính toán được quỹ đạo nếu tìm thấy nó một lần nữa.

Sau khi quỹ đạo của vật thể này được xác định rõ, giả định của Piazzi là đúng và đó không phải là một sao chổi nhưng giống một hành tinh nhỏ hơn. Thật trùng hợp rằng, những điều này gần như chính xác với định luật Titius-Bode khi miêu tả về một hành tinh.

Piazzi đặt tên thiên thể này là "Ceres Ferdinandea", theo tên của nữ thần Sicilian trong Thần thoại La Mã và Vua Ferdinand Đệ tứ của Vương quốc Naples. Phần tên Ferdinandea sau này đã bị bỏ vì lý do chính trị, cái tên Ceres được giữ lại.

Bây giờ nhìn lại, thật thú vị khi Ceres là hành tinh lùn đầu tiên được khám phá và cũng là hành tinh lùn lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh. Ceres ngày nay được xếp loại là một hành tinh lùn.

Quang Niên
theo Wikipedia English