Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Thiên hà NGC 1316 trong Cụm Thiên hà Fornax

Thiên hà NGC 1316 trong Cụm Thiên hà FornaxRất nhiều những thiên hà sáng lấp lánh thu hút mọi ánh nhìn thuộc Cụm Thiên hà Fornax, trong số chúng, có thiên hà thì sáng rực rỡ, trong khi có thiên hà khác thì mờ nhạt và chỉ làm nền. Nhưng đáng chú ý hơn cả, là thiên hà NGC 1316. Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ lưỡng về quá khứ hỗn loạn của nó, và sự ảnh hưởng đến ngày nay qua cấu trúc của nó.

Được quan sát và chụp ảnh qua Kính Thiên văn Rất Lớn (VLT) thuộc Đài Quan sát Paranal của ESO ở Chile, khung hình này là những thiên hà thuộc Cụm Thiên hà Fornax, một trong những cụm thiên hà nhiều thành viên nhất nằm gần Ngân Hà của chúng ta. Hình ảnh này lớn đến 2,3 gigapixel và là một trong những hình ảnh lớn nhất được công bố bởi ESO.

Thiên hà NGC 1316 bên trong Cụm Thiên hà Fornax, tại ranh giới của chòm sao Fornax và Eridanus. Hình ảnh: ESO/A. Grado and L. Limatola.
Thiên hà NGC 1316 bên trong Cụm Thiên hà Fornax, tại ranh giới của chòm sao Fornax và Eridanus. Hình ảnh: ESO/A. Grado and L. Limatola. Hình ảnh không có chú thích.

Thành viên gây hứng thú nhất của cụm thiên hà này, có lẽ là NGC 1316 – một thiên hà có lịch sử đầy biến động và được tạo nên từ sự hợp nhất của nhiều thiên hà nhỏ. Sự biến động về lực hấp dẫn đã tạo cho nó hình dạng tròn một cách ấn tượng.

Những đám bụi mờ và dày bao xung quanh nó, được quan sát lần đầu vào thập niên 1970, đến nay vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà thiên văn đương đại. Các nhà thiên văn ngày nay quan sát vào NGC 1316 không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, mà nhìn kỹ vào cấu trúc đặc biệt này để dựng nên bản đồ và mô hình lập thể về nó.

Những vụ sáp nhập trong quá khứ hình thành nên NGC 1316 đã tạo ra một dòng khí bụi, làm nhiên liệu cho một vật thể khổng lồ nằm ở trung tâm: một hố đen siêu lớn với khối lượng gấp khoảng 150 triệu lần khối lượng Mặt Trời.

Con quái vật này phóng ra những hạt mang năng lượng cao, khiến thiên hà này phát xạ mạnh ở bước sóng vô tuyến, và vì thế NGC 1316 là nguồn phát sóng vô tuyến lớn thứ tư trên bầu trời đêm của chúng ta.




NGC 1316 cũng là nhà của bốn siêu tân tinh loại Ia từng được ghi nhận, chúng là những sự kiện quan trọng đối với các nhà thiên văn học. Một khi siêu tân tinh Ia được xác định rõ độ sáng, nó có thể được sử dụng làm thước đo khoảng cách đến thiên hà chủ hàm chứa nó; và trong trường hợp này, chúng ta đo được khoảng cách 60 triệu năm ánh sáng.

Những cây đèn cầy (nến) của vũ trụ này được các nhà khoa học đặc biệt ưa chuộng, bởi nó là dụng cụ tuyệt hảo để đo đạc những khoảng cách ở xa. Trong thực tế, nó còn được sử dụng trong việc khám phá ra sự mở rộng của vũ trụ.

Hình ảnh này là một phần của dự án khảo sát Cụm Thiên hà Fornax do Đài Quan sát Naples của nước Ý dẫn đầu. Trước NGC 1316, họ đã chụp ảnh và làm sáng tỏ được bí mật của ánh sáng mờ nhạt nằm gần NGC 1399 và thiên hà nhỏ NGC 1387.

Kính VLT được thiết kế đặc biệt để có thể khảo sát một vùng rộng lớn trên bầu trời. Với độ phân giải 256 megapixel, thiết bị OmegaCAM của kính có thể chụp ảnh sâu vào các vùng trời một cách nhanh chóng để VLT có thể phân tích kỹ từng thiên thể có trong khung hình.

Khánh Duy
theo ESO