Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Ngày này năm xưa: Tàu thăm dò của Liên Xô lần đầu thu thập đá Mặt Trăng

Ngày 20 tháng 9 năm 1970, tàu thăm dò không gian Luna 16 của Liên bang Xô Viết đã đổ bộ lên Mặt Trăng để thu thập những mẫu đá Mặt Trăng từ bề mặt vệ tinh này.

Tàu thăm dò Luna 16 và xe tự hành Lunokhod-1 tại Bảo tàng Không gian vũ trụ Moscow, Nga. Hình ảnh: lemank/Flickr.
Tàu thăm dò Luna 16 và xe tự hành Lunokhod-1 tại Bảo tàng Không gian vũ trụ Moscow, Nga. Hình ảnh: lemank/Flickr.

Tàu thăm dò Luna 16 của Liên Xô đã tiến thêm một bước lớn trong lĩnh vực thám hiểm không gian, khi trở thành cỗ máy không người lái đầu tiên được đưa vào sử dụng để lấy những vật thể bên ngoài Trái Đất về địa cầu.

Con tàu đổ bộ xuống vùng Biển Fertility hay còn gọi là Biển Fecunditatis, một khu vực mà vào thời điểm đó chưa từng được khám phá. Tàu thu thập mẫu vật đá và bụi bằng cách sử dụng một máy khoan điện ở phần cuối cánh tay máy để cắt phần đất đá nằm cạn ở bề mặt.

Ngoài công việc khai thác, con tàu còn được gắn một máy quay phim để ghi lại toàn bộ hình ảnh của sứ mệnh.

Bản mô tả chi tiết về nhiệm vụ, được cơ quan thông tấn quốc gia Liên Xô công bố, cho thấy các nhà khoa học đã nỗ lực làm việc để tạo ra một cỗ máy cấp tiến, thực hiện nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng và vùng không gian gần Mặt Trăng.

Tàu thăm dò có khoảng 26 giờ trên bề mặt Mặt Trăng trước khi các nhà khoa học Liên Xô gởi tín hiệu đến tàu để lệnh cho nó trở về Trái Đất. Đây là lần đầu tiên một thao tác được thực hiện để điều khiển tàu vũ trụ trở về Trái Đất từ xa.

Luna 16 là con tàu thứ hai của Xô Viết mang theo sứ mệnh thu thập mẫu vật Mặt Trăng. Con tàu trước nó là Luna 15, đã gây xôn xao khi được phóng lên chỉ ba ngày trước sứ mệnh Apollo 11 của Hoa Kỳ. Con tàu Luna 15 đã đâm sầm vào Mặt Trăng chỉ vài giờ sau khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên của con người lên đây.

Sự hạ cánh thành công của Luna 16 đã làm sống lại hàng loạt cuộc tranh cãi của quốc gia này về việc có nên đưa người lên Mặt Trăng hay không. Quan điểm của Liên Xô từ lâu là có thể thám hiểm không gian bằng các thiết bị tự động để tránh rủi ro về nhân mạng.

Một nhà khoa học Liên Xô đã khẳng định điều này trong một bài viết đăng báo Pravda, tờ báo của Đảng Cộng sản Liên Xô, rằng các chuyến bay không người lái chỉ tốn chi phí từ một phần hai mươi đến một phần năm mươi so với những chuyến bay có người lái.

Trong khi đó, cường quốc ở bên kia thế giới là Hoa Kỳ, liên tục đào tạo các phi hành gia để đưa họ đến Mặt Trăng để thu thập được nhiều mẫu vật to lớn hơn và có chọn lọc tốt hơn thay vì sự lựa chọn ngẫu nhiên từ các thiết bị máy móc.

Luna 16 đã quay trở về Trái Đất an toàn vào ngày 24 tháng 9 sau đó, mang theo 100 gram đất và đá Mặt Trăng. Con tàu cũng để lại Mặt Trăng một trạm thí nghiệm và trạm này vẫn tiếp tục gởi tín hiệu về Trái Đất.

Tàu thăm dò Mặt Trăng tiếp theo của Liên Xô là Luna 17, được phóng đi vào tháng 11 năm 1970 và mang theo chiếc xe tự hành đầu tiên là Lunokhod. Xe tự hành này đã đi trên bề mặt Mặt Trăng trong hơn một tuần và thực hiện các phép đo đạc và thu thập mẫu vật.

Do sự hạn hẹp về ngân sách, chương trình thăm dò không gian của Hoa Kỳ đã được tạm ngưng vào năm 1972, trong khi đó chương trình này của Liên Xô vẫn được kéo dài đến năm 1976.

Tuấn Anh
theo BBC