Header Ads

Ngày này năm xưa - 01/08/1968: NASA ngừng sản xuất tên lửa Saturn V

Ngày 1 tháng 8 năm 1968, NASA đã cho ngừng việc sản xuất tên lửa Saturn V của họ. Tên lửa khổng lồ này là cỗ máy duy nhất phóng từng phi hành đoàn vào quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nó là tên lửa lớn nhất, mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Tên lửa có 3 tầng, cao 111 mét và tạo ra 3.401 tấn lực đẩy.

NASA đã sản xuất ra 15 chiếc tên lửa Saturn V, nhưng chỉ 13 chiếc đã cất cánh. Việc ngừng sản xuất loại tên lửa này được NASA quyết định vào hơn một năm khi sứ mệnh Apollo 11 đưa con người lên Mặt Trăng được triển khai.

Tên lửa Saturn V chở sứ mệnh Apollo 17 lên Mặt Trăng đang chuẩn bị được phóng vào tháng 12 năm 1972. Hình ảnh: NASA.
Tên lửa Saturn V chở sứ mệnh Apollo 17 lên Mặt Trăng đang chuẩn bị được phóng vào tháng 12 năm 1972. Hình ảnh: NASA.

Lý do cho việc dừng sản xuất này, là bởi sự thâm hụt ngân sách liên bang và chi phí tăng cao cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ phải giảm gần ba phần tư khoản ngân sách mà Tổng thống Johnson đã dành cho chương trình Apollo trước đó.

Tên lửa Saturn V có thể chuyên chở 140 tấn đến quỹ đạo thấp của Trái Đất. Tầng thứ nhất của tên lửa có thể chứa được 770.000 lít dầu hỏa và 1,2 triệu lít oxy lỏng; tầng thứ hai chứa 984.000 lít hydro lỏng và 303.000 lít oxy lỏng, cần cho sự đốt cháy nhiên liệu.

Tầng thứ ba của tên lửa là khoang chứa tàu chở trang thiết bị và các phi hành gia. Động cơ của tầng này đốt cháy vào 11 phút sau khi được phóng lên, giúp đẩy lên đến quỹ đạo của Trái Đất. Sau 2 tiếng rưỡi, tên lửa sẽ đẩy tàu Apollo ra khỏi quỹ đạo Trái Đất và hướng đến Mặt Trăng.

Trong số 13 chuyến bay, có 24 phi hành gia được đưa lên Mặt Trăng, ba người trong số họ được đi hai lần. Chuyến bay không người lái đầu tiên được phóng đi bằng Saturn V được thực hiện vào năm 1967.

Tên lửa Saturn V cuối cùng được phóng lên vào năm 1973, ban đầu dự kiến sẽ đưa tàu sứ mệnh Apollo 18 lên Mặt Trăng, nhưng sứ mệnh này đã không bao giờ được diễn ra và mục tiêu được thay đổi là Trạm không gian Skylab của Mỹ.

Khánh Duy theo Space