Header Ads

Capricornus - con dê biển của bầu trời đêm

Chòm sao Capricornus - con dê biển được nhìn thấy tốt nhất trên bầu trời đêm Việt Nam vào chiều tối tháng 9 và tháng 10 hằng năm. Đây là một trong mười ba chòm sao Hoàng đạo và thuộc 48 chòm sao cũ của Ptolemy cũng như là thuộc 88 chòm sao hiện đại. Trong các bản đồ sao cổ, chòm sao này xuất hiện với hình dạng của một con thú đuôi con cá với đầu, mình con dê. Có thể giải thích được tại sao chòm sao này liên quan tới nước, lý do là khi mùa mưa tới ở vùng Địa Trung Hải thì Mặt Trời đi qua khu vực của chòm sao này.

Chòm sao Capricornus bởi họa sĩ  Sidney Hall vẽ vào năm 1825. Nguồn hình ảnh : Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Quan sát chòm sao Capricornus. Chòm sao này được nhìn thấy tốt nhất trên bầu trời đêm Việt Nam vào chiều tối tháng 9 và tháng 10 hằng năm. Nếu bạn đã quen thuộc với Tam giác mùa hè thì hãy sử dụng nhóm sao này mà nhận ra chòm sao dê biển, hãy kéo một đường thẳng tưởng tượng từ ngôi sao Vega (Chức Nữ) qua ngôi sao Altair (Ngưu Lang) về hướng nam, đầu kia của đường thẳng tưởng tượng chính là chòm sao dê biển. Ở Việt Nam bạn sẽ quan sát được Tam giác mùa hè nằm cao trên bầu trời vào những đêm mùa thu.

Hai đỉnh sáng nhất, nhì của tam giác mùa hè sẽ chỉ cho bạn chòm sao dê biển. Hình ảnh : Jeff Barton.

Chòm sao Capricornus mọc lên ở chân trời hướng đông nam từ buổi chiều và khi trời tối thì bạn sẽ thấy nó nằm khoảng 30 độ so với chân trời đông nam, và khoảng 8 giờ tối thì nó sẽ nằm ở vị trí cao nhất là khoảng 45 độ so với chân trời hướng nam.

Một cách khác nữa để chỉ đường tới chòm sao Capricornus là sử dụng chòm sao Cygnus (Thiên nga) hay còn được gọi là nhóm sao Thập tự phương bắc. Đầu của con thiên nga là ngôi sao Deneb - sao này cũng là đỉnh còn lại của Tam giác mùa hè - trong khi điểm đầu của nhóm sao Thập tự phương bắc thì ngược lại, không phải sao Deneb mà là sao Albireo. Đi thẳng từ sao Deneb tới sao Albireo rồi qua chút xíu là tới chòm sao dê biển.

Deneb là sao đỉnh đầu của chòm sao Thiên Nga trong khi sao Albireo là đỉnh đầu của nhóm sao Thập tự phương bắc. Hình ảnh : AstroBob.

Capricornus hay là Capricorn ? Capricornus thường được biết tới là chòm sao dê biển trong khi Capricorn thì thường được biết tới là một cung hoàng đạo và là cung Hoàng đạo Ma Kết.

Capricornus là một chòm sao hoàng đạo, chòm sao hoàng đạo là những chòm sao nằm trên đường thẳng mà Mặt Trời đi qua trên bầu trời. Mặt Trời đi qua khu vực chòm sao Capricornus từ ngày 19/1 tới 16/2 trong khi đó cung hoàng đạo Capricorn lại diễn ra từ 21/12 tới 20/1 - tức là sớm hơn khoảng 1 tháng so với chòm sao hoàng đạo Capricornus trong thiên văn học.

Các cung hoàng đạo thì có liên quan tới các điểm phân, chí cố định trong năm, các điểm phân, chí đó đi về phía tây 30 độ và nằm ngay khu vực các chòm sao hoàng đạo trong khoảng thời gian 2160 năm.

Vào năm 131 TCN, điểm đông chí rời khỏi chòm sao Capricornus và đi tới chòm sao Sagittarius. Trong tương lai, vào năm 2269, điểm đông chí sẽ đi tới chòm sao Ophiuchus. Những mốc thời gian sự kiện trên đây đều được dựa trên quy định của Hiệp hội Thiên văn Thế giới vào năm 1930.

Làm sao mà một con dê biển lại được đưa lên bầu trời làm tượng trưng cho một chòm sao ? Hình ảnh về con thủy quái dê biển được cho là tới từ Oannes (Adapa) - vị thần của người Sumer về sự khôn ngoan. Trong khi người Hy Lạp cổ đại thì cho rằng chòm sao này có liên quan tới thần Pan của họ.

Typhon là một con quái vật thở ra lửa rất đáng sợ sắp nuốt thần Pan. Nhưng thần Pan tự biến thành một con cá rồi nhảy xuống sông để giải thoát mình, tuy nhiên ông ta rất sợ hãi cho nên trồi nửa mình lên mặt nước và biến thành một con dê, thế là thay vì trở thành một con cá hoàn toàn thì ông lại có nửa người trên là một con dê.