Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Hướng dẫn quan sát bầu trời tháng 1 năm 2014

Chào mừng năm mới 2014. Tháng một này chúng ta sẽ được quan sát những kỳ quan tuyệt đẹp của bầu trời mùa đông, ngay đầu tháng thiên nhiên đã dành tặng cơn mưa sao băng Quadrantids mà được kỳ vọng là có thể đạt đến 100 sao băng mỗi giờ, tiếp theo là màn trình diễn của Sao Mộc với Lục giác mùa đông, chòm sao thợ săn Orion cùng chòm sao bò vàng Taurus thống lĩnh bầu trời hướng đông từ khi màn đêm vừa buông xuống, và còn nhiều thiên thể đẹp lung linh đang chờ bạn khám phá.





CÁC HÀNH TINH BUỔI CHIỀU TỐI

Bây giờ đang là thời điểm thích hợp để quan sát Sao Mộc và những mặt trăng của nó. Ngay từ khi màn đêm vừa buông xuống, bạn sẽ thấy Sao Mộc tỏa sáng ở thấp gần đường chân trời hướng đông. Sao Mộc sẽ bị vây quanh bởi những ngôi sao : Aldebaran của chòm sao Taurus (Kim Ngưu), Rigel của chòm sao Orion (Lạp Hộ), Sirius của chòm sao Canis Major (Đại Khuyển), Procyon của chòm sao Canis Minor (Tiểu Khuyển), Pollux và Castor của chòm sao Gemini (Song Tử), cùng Capella của chòm sao Auriga (Ngự Phu), chúng tạo thành Lục giác mùa đông trên bầu trời đêm.

Ngày 5/1 tới đây, Sao Mộc sẽ đạt vị trí đối lập, hành tinh khí khổng lồ sẽ đạt vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó được chiếu sáng đầy đủ nhất bởi Mặt Trời. Đây là thời gian tốt nhất để chụp hình và quan sát Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn cỡ vừa sẽ cho bạn thấy chi tiết về bề mặt của nó, khi quan sát qua ống nhòm bạn sẽ thấy được bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc.

CÁC CHÒM SAO VÀ THIÊN THỂ  

Chúng ta đang quan sát bầu trời mùa đông với nhiều kỳ quan tuyệt vời của bầu trời. Hãy cùng tìm hiểu một chòm sao đặc trưng của bầu trời mùa đông và rất dễ nhận biết,  đó là chòm sao Orion (Lạp Hộ) - chàng thợ săn. Theo một phiên bản trong Thần thoại Hy Lạp, chàng Orion tự cho mình là người thợ săn tài giỏi nhất,  Hera - vợ của thần Zeus nghe được điều này nên đã cho một con bọ cạp xuống và giết chết Orion. Thần Zeus thương tiếc Orion nên cho chàng lên bầu trời,  và con bọ cạp kia cũng được lên trời. Và có một điều thú vị rằng, khi chòm sao Orion mọc lên từ bầu trời thì chòm sao bọ cạp Scorpius (Thiên Hạt) cũng lặn xuống, vì thế hai kẻ thù sẽ không bao giờ thấy mặt nhau.

Chòm sao Orion rất dễ nhận biết vì có nhiều sao sáng và có ba ngôi sao thẳng hàng cách đều nhau. Bạn có thể quan sát chòm sao này từ khi màn đêm vừa buông xuống ở gần chân trời hướng đông cho đến khi bình minh sắp đến ở gần chân trời hướng tây.

Ngôi sao trắng xanh Rigel là ngôi sao sáng thứ 6 trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là 0,18, nó cũng là một đỉnh của Lục giác mùa đông. Người ta ước lượng khoảng cách từ Rigel đến chúng ta là vào khoảng 700 đến 900 năm ánh sáng. Nó là một ngôi sao siêu khổng lồ xanh với khối lượng gấp 17 lần và độ sáng gấp 85 ngàn lần so với Mặt Trời, như vậy nó là ngôi sao sáng nhất trong vùng những ngôi sao lân cận với Mặt Trời.

Tối hơn Rigel một chút, Betelgeuse màu đỏ cam là ngôi sao sáng thứ 8 trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến thay đổi từ 0,2 đến 1,2, và nó là một trong ba đỉnh của Tam giác mùa đông. Betelgeuse cách chúng ta khoảng 640 năm ánh sáng. Nếu đặt nó thế chỗ cho Mặt Trời thì bề mặt của nó có thể vươn đến quỹ đạo của Sao Mộc.

Thật không khó để bắt gặp ba ngôi sao thẳng hàng của chòm sao thợ săn trên bầu trời đêm,  chúng gồm ba ngôi sao : Anitak  Anilam  và Mitaka. Chúng tượng trưng cho thắt lưng của chàng thợ săn Orion.

Một điểm dừng chân lý tưởng ở chòm sao này mà bạn không thể bỏ qua - tinh vân Lạp Hộ (M42). Tinh vân được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Pháp Peiresc vào năm 1610. Bạn có thể quan sát nó bằng mắt thường tại nơi có điều kiện quan sát tốt, vì nó có độ sáng biểu kiến là +4, cách chúng ta 1600 năm ánh sáng và trải rộng 33 năm ánh sáng. Bạn hãy kéo một đường thẳng từ ngôi sao Betelgeuse đến ngôi sao Anitak trong thắt lưng của Orion là bạn sẽ bắt gặp ngay tinh vân này.

Chúng ta tạm chia tay với chòm sao Orion và cùng nhau đi tiếp chuyến khám phá những kỳ quan của bầu trời mùa đông nhé. Gần chòm sao Orion là chòm sao Taurus (Kim Ngưu), đây cũng là một trong những chòm sao đặc trưng của bầu trời mùa đông.  Hình tượng của chòm sao này là một con bò vàng do thần Zeus biến hóa thành. Sở dĩ ông biến thành con bò là vì ông muốn tiếp cận với cô gái Europa mà không bị sự kiểm soát bởi bà vợ Hera của mình, sau khi Europa lên lưng con bò Taurus thì nó lao nhanh vào biển. Zeus đưa nàng Europa qua Địa Trung Hải và đến đảo Crete ở Hy Lạp rồi kết hôn với nàng, miền đất rộng lớn mà Zeus đưa nàng Europa tới ngày nay có tên là Europa - tức là Châu Âu. Hình ảnh con bò trong chòm sao Taurus chỉ thấy được nửa phần trên vì trong lúc con bò bơi vượt biển, nửa phần dưới đang chìm dưới mặt nước.

Chòm sao Kim Ngưu cũng có một ngôi sao thuộc Lục giác mùa đông, vì thế nó cũng sẽ mọc lên ở bầu trời hướng đông từ khi màn đêm vừa buông xuống. Ngôi sao đó là ngôi sao Aldebaran, một ngôi sao đỏ cam với độ sáng biểu kiến là 0,87, sáng nhất chòm sao Taurus và đứng thứ 14 trong danh sách những ngôi sao sáng nhất bầu trời.  Aldebaran cách chúng ta 68 năm ánh sáng với đường kính gấp khoảng 44,2 lần và độ sáng gấp khoảng 425 lần so với Mặt Trời của chúng ta.

Một kỳ quan tuyệt vời nữa thuộc chòm sao Taurus, đó là cụm sao phân tán Pleiades (M45),  cụm sao này còn có tên gọi là Tua Rua hay sao Mạ trong cách gọi dân dã của tiếng Việt vì khi nó xuất hiện trên bầu trời khoảng đầu tháng 6 dương lịch thì đó là thời điểm bước vào lúc gieo mạ lúa mùa chính vụ, cụm sao này có vài trăm ngôi sao nhưng chúng ta chỉ quan sát được từ 6 đến 7 ngôi sao sáng nhất của nó bằng mắt thường, bạn hãy quan sát qua kính thiên văn để thấy rõ ràng về nó. Nhiều người nghĩ rằng cụm sao Thất Nữ chỉ xuất hiện vào mùa đông chung với chòm sao Taurus, nhưng thật ra không phải như thế. Ở Việt Nam chúng ta quan sát được nó từ giữa tháng 6 vào lúc trước bình minh cho đến giữa tháng 4 năm sau vào lúc sau hoàng hôn.

CÁC SỰ KIỆN THIÊN VĂN 

Rạng sáng ngày 2 và 3/1 tới đây, chúng ta sẽ được quan sát mưa sao băng Quadrantids, đây là một cơn mưa sao băng trên mức trung bình với lượng sao băng lên đến 40 sao/giờ. Cơn mưa sao băng nầy thường diễn ra từ ngày 1/1 đến 5/1 và năm nay đạt cực điểm là vào 2 và 3/1.  Bạn hãy nhìn về phía đông khoảng 3 giờ sáng tại khu vực giữa chòm sao Draco (Thiên Long) và Bootes (Mục Phu). Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ xuất hiện vào đầu buổi tối và để lại cho chúng ta một đêm thật tuyệt vời khi không có ánh trăng.

Thiết kế và biên tập nội dung : Nguyễn Anh Tuấn (Anh Tuấn Nguyễn - Ftvh)
Thuyết minh : Phan Thị Song Sương
Biên tập và chỉnh sửa phụ đề : Thái Văn Lợi (Sirius - DAC)
Nhạc nền : Carbon Based Lifeforms - Terpene bởi INgrooves
Hình ảnh được sử dụng trong video chỉ mang tính chất minh họa.

Giả lập bầu trời bởi phần mềm Stellarium
Jupiter Animation (video) bởi Equinox Graphics
Jupiter over ALMA bởi Babak A. Tafreshi
Star over Snow bởi Kagaya Yukata
Orion nebula bởi ESA/Hubble
Pleiades (M45) bởi NASA, ESA, AURA/Caltech, Đài quan sát Palomar
Chòm sao Taurus bởi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ
Và một số hình ảnh chưa rõ nguồn khác từ internet.