Header Ads

Tàu Voyager 1 đã rời khỏi hệ Mặt Trời

Mang theo lời chào từ địa cầu, những thiết bị khoa học vẫn còn hoạt động, tàu vũ trụ Voyager 1 của NASA đã trở thành vật thể của địa cầu đi xa nhất và là vật thể đầu tiên của địa cầu đi ra khỏi hệ Mặt Trời lần đầu tiên. Và bây giờ, nó đang thám hiểm dải Ngân Hà của chúng ta từ bên ngoài tầm ảnh hưởng của Thái Dương hệ.

Voyager 1 để lại sau lưng hệ Mặt Trời của chúng ta và tiến ra khám phá vùng không gian liên sao. Hình minh họa bởi NASA.

"Từng có nhiều lần tranh cãi về vấn đề này, rằng tàu đã thực sự rời khỏi hệ Mặt Trời chưa, nhưng lần này chúng tôi tin chắc đó là sự thật và nó đang bắt đầu chuyến thám hiểm vùng không gian liên sao" Marc Swisdak - nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở UMD, tác giả của bài báo vừa được xuất bản trên tờ The Astrophysical Journal Letters. Swisdak và nhà vật lý plasma James F. Drake cùng thuộc trường Đại học Maryland với Merav Opher của Đại học Boston đã xây dựng mô hình phần ngoài cùng của hệ Mặt Trời dựa trên những kết quả quan sát và thăm dò gần đây.

Dựa theo mô hình này thì cho thấy Voyager 1 đã thực sự rời khỏi hệ Mặt Trời và bước vào vùng không gian liên sao từ hơn một năm trước đây, tuy nhiên các báo cáo của NASA thì cho thấy tàu vẫn còn đang nằm ở vùng chuyển tiếp, vùng này vừa chịu ảnh hưởng của Mặt Trời và vừa chịu ảnh hưởng của phần còn lại của Ngân Hà.

Tại sao vấn đề này lại gây tranh cãi ?

Ranh giới của hệ Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất rộng vào khoảng 18 tỷ km, phần bao xung quanh hệ Mặt Trời gọi là nhật quyển (heliosphere) là khu vực không gian bị chi phối bởi từ trường và các hạt điện tích phát ra từ Mặt Trời của chúng ta. Chúng ta đều không biết rõ cấu trúc và vị trí chính xác của vùng chuyển tiếp nhật quyển này. Nhưng theo lý thường tình thì chúng ta sẽ biết được tàu đã đi qua hay chưa bằng việc những hạt điện tích của Mặt Trời ngày càng ít dần và những hạt điện tích của Ngân Hà ngày càng tăng lên, và chúng ta cũng đã thấy sự thay đổi về hướng của từ trường.

Các nhà khoa học của NASA thông báo vào mùa hè năm ngoái rằng sau 8 năm đi qua các lớp ngoài cùng của nhật quyển, phi thuyền Voyager 1 đã thu nhận lại được nhiều dấu hiệu của phần ranh giới chưa giống với bất kỳ phát hiện nào trước đây. Sự giảm đi những hạt điện tích của Mặt Trời tương ứng với sự gia tăng electron và proton của Ngân Hà. Trong vòng một tháng kể từ đó, số lượng hạt điện tích của Mặt Trời hầu như là biết mất, chỉ còn lại hạt điện của Ngân Hà. Tuy nhiên, Voyager 1 không quan sát thấy sự thay đổi hướng của từ trường.

Để lý giải cho kết quả bất ngờ này, nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng Voyager 1 đã bước vào khu vực heliosheath, tại khu vực này gió Mặt Trời chậm lại và hỗn loạn vì sự tương tác giữa môi trường liên sao, khoảng cách gần nhất của khu vực này đến Mặt Trời là khoảng 80 đến 100 AU.

Mặc dù nhật quyển thường được mô tả như là một bong bóng từ trường bao bọc hệ Mặt Trời ở bên trong, nhưng nhật quyển không phải là một quả bong bóng ngăn cách dứt khoát giữa hai môi trường bên ngoài và bên trong, nó được tạo nên từ nhiều lớp với cấu trúc từ tính phức tạp. Plasma ở môi trường liên sao có thể thâm nhập vào nhật quyển, và những tia vũ trụ có thể kết hợp mạnh mẽ cùng với những hạt điện tích Mặt Trời.

Anh Tuấn Nguyễn theo ScienceDaily