Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Bầu trời trong tuần từ 16/10 đến 22/10/2017

Chào mừng bạn đến với chuyên mục Bầu trời trong tuần của Ftvh. Đây là mục hướng dẫn các bạn quan sát những sự kiện thiên văn và thiên thể quan sát thú vị trong tuần. Mỗi buổi tối trong tuần sẽ là một niềm vui quan sát bầu trời.

Trong tuần lễ thứ 42 của năm, và là tuần thứ ba của tháng 10 năm 2017, các bạn hãy cùng Ftvh quan sát Mặt Trăng cuối tháng và các hành tinh trên bầu trời sáng sớm, Sao Hải Vương đạt vị trí trực đối, và mưa sao băng Orionid.

Bầu trời trong tuần từ 16/10 đến 22/10/2017. Đồ họa: MeganeRid/Deviantart.
Bầu trời trong tuần từ 16/10 đến 22/10/2017. Đồ họa: MeganeRid/Deviantart.

Thứ hai, 16/10/2017

Hãy thức dậy sớm vào rạng sáng ngày 17/10 để ngắm nhìn những thành viên của Hệ Mặt Trời tỏa sáng ở gần chân trời hướng đông bạn nhé.

Từ 4 giờ sáng, Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng đã lên cao dần trên bầu trời cùng với chòm sao Leo (Sư tử). Đến 5 giờ sáng, các thiên thể còn lại là hành tinh Sao Hỏa và Sao Kim sẽ nhú lên lần lượt tại vùng trời đó.

Rạng sáng 17 tháng 10, Mặt Trăng, Sao Hỏa và Sao Kim nằm gần như thẳng hàng và gần như cách đều nhau ở bầu trời hướng đông. Đồ họa: Stellarium/Chú thích: Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.
Rạng sáng 17 tháng 10, Mặt Trăng, Sao Hỏa và Sao Kim nằm gần như thẳng hàng và gần như cách đều nhau ở bầu trời hướng đông. Đồ họa: Stellarium/Chú thích: Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.

Cả ba đều nằm gần thẳng hàng nhau và cách nhau một khoảng gần bằng 5 thiên độ. Cả hai hành tinh là hai chấm sáng không nhấp nháy, với Sao Hỏa có màu sắc đỏ rực đặc trưng, còn Sao Kim với độ sáng chói chang của mình, thật không quá khỏ để nhận ra.

Thứ ba, 17/10/2017

Lại phải dậy sớm rồi, vì nữ thần sắc đẹp Vệ Nữ cứ mãi ở trên bầu trời buổi sáng đấy chứ. Sáng sớm 18/10, dù Mặt Trăng đã quá mỏng và khó có thể nhìn thấy được, nhưng vẫn còn đó Sao Kim.

Hành tinh Sao Kim trong buổi sáng hôm này sẽ nằm cách 0,7 độ so với ngôi sao Zaniah (Eta Virginis) của chòm sao Virgo (Trinh nữ). Sao Kim với độ sáng biểu kiến là -3,4, còn sao Zaniah là +3,9, hai con số này có ý nghĩa rằng Sao Kim sáng hơn hàng ngàn lần trên bầu trời so với ngôi sao đó.

Trong khi đó, Sao Hỏa ở bên trên lại nằm gần với ngôi sao Zavijava (Beta Virginis) và chỉ cách nhau 0,5 độ. Sao Hỏa với độ sáng biểu kiến là +1,8 và ngôi sao kia là +3,6. Bạn có thể quan sát bằng mắt thường hoặc hướng ống kính quan sát đến hai cặp thiên thể này để có cái nhìn gần gũi hơn nhé.

Thứ tư, 18/10/2017

Sau 10 giờ khuya đêm nay, bạn sẽ thấy thấp thoáng phía chân trời một chòm sao đặc trưng của bầu trời đêm mùa đông: Chòm sao Orion – chàng thợ săn dũng mãnh.

Chòm sao Thợ săn vào tháng cuối tháng 3/2013 ở Mjølfjell, Na Uy. Bạn có thể thấy ngôi sao màu đỏ nằm trên cao nhất của hình chính là sao Betelgeuse, ba ngôi sao thẳng hàng như trục đối xứng và qua đó bạn có thể thấy được sao Rigel màu trắng-xanh. Hình ảnh: Odd Høydalsvik.
Chòm sao Thợ săn vào tháng cuối tháng 3/2013 ở Mjølfjell, Na Uy. Bạn có thể thấy ngôi sao màu đỏ nằm trên cao nhất của hình chính là sao Betelgeuse, ba ngôi sao thẳng hàng như trục đối xứng và qua đó bạn có thể thấy được sao Rigel màu trắng-xanh. Hình ảnh: Odd Høydalsvik.

Chòm sao này với ba ngôi sao thẳng hàng ở vị trí thắt lưng của chàng thợ săn chắc hẳn khiến bạn khó lòng không nhận ra được, cùng với hai ngôi sao sáng Betelgeuse màu đỏ cam và Rigel màu lam trắng nằm đối xứng nhau qua chiếc thắt lưng đó.

Thứ năm, 19/10/2017

Đáng chú ý nè. Sao Hải Vương sẽ đạt vị trí trực đối vào nửa đêm ngày 20/10, chính xác là vào 00 giờ 21 phút. Lúc này, Sao Hải Vương, Trái Đất và Mặt Trời cùng nằm trên một đường thẳng. Hành tinh Hải Vương được chiếu sáng đầy đủ nhất bởi Mặt Trời và nằm đối diện với Trái Đất, nên ta sẽ quan sát được nó rõ sáng nhất trong suốt một đêm dài.

Tại Việt Nam, Sao Hải Vương sẽ lên cao đến 85 độ trên bầu trời (cao nhất từ lần đạt trực đối năm 1963 cho đến nay). Hành tinh này sẽ có độ sáng biểu kiến là +5,7 và nằm trong chòm sao Pisces (Hai con cá).

Độ sáng này là khá mờ nhạt, tuy có thể quan sát được bằng mắt thường, nhưng bạn hãy quan sát qua kính thiên văn (dù qua ống kính quan sát, nó cũng chỉ là một chấm sáng màu xanh rộng 3,7 giây cung).

Cũng trong sáng sớm 20/10, Mặt Trăng sẽ đạt pha trăng mới vào 2 giờ 13 phút sáng. Mặt Trăng sẽ đi qua bầu trời cùng với Mặt Trời (nhưng không che khuất Mặt Trời, nếu che thì sẽ xảy ra nhật thực) và lặn cùng Mặt Trời, cho nên buổi tối ngày hôm đấy, cả bầu trời tối đầy sao không có sự quấy rối của ánh sáng trăng sẽ dành riêng cho bạn.

Thứ sáu, 20/10/2017

Hãy quan sát mưa sao băng Orionid vào rạng sáng 21/10 và 22/10. Như tên gọi, đây là cơn mưa sao băng với tâm điểm xuất phát từ chòm sao Orion (Thợ săn). Có thiên thể gốc là sao chổi Halley, cơn mưa sao băng này sẽ cho bạn quan sát được khoảng từ 20 đến 25 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm.

Tâm điểm mưa sao băng nằm ở ranh giới chòm sao Gemini và Orion, sẽ mọc lên bầu trời hướng đông từ sau 10 giờ khuya. Và đó là lúc bạn đã bắt đầu quan sát được mưa sao băng, nhưng tốt nhất hãy đợi đến nửa đêm rồi hãy quan sát nhé. Năm nay không có sự xuất hiện của Mặt Trăng, để lại cho bạn cả bầu trời đêm tối để quan sát.

Tâm điểm của trận mưa sao băng Orion. Đồ họa: StarDate.
Tâm điểm của trận mưa sao băng Orion. Đồ họa: StarDate.

Để quan sát mưa sao băng, bạn lưu ý hãy để mắt trong bóng tối 15 phút, tuyệt đối không được sử dụng thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, các thiết bị thông minh) hay với nguồn ánh sáng nhân tạo. Việc mắt tiếp xúc với nguồn ánh sáng khác trong đêm tối, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của buổi quan sát, mà còn gây nguy cơ đến sức khỏe đôi mắt.

Thứ bảy, 21/10/2017

Bạn đừng quên mưa sao băng Orionid vẫn quan sát được vào rạng sáng 22/10 đấy nhé. Cơn mưa sao băng này diễn ra từ 23 tháng 9 đến 27 tháng 11, nhưng những ngày này là thời gian cực điểm. Hãy quan sát lại vào rạng sáng 22/10 nếu bạn bỏ lỡ vào đêm hôm trước, hoặc đơn giản là muốn quan sát thêm.

Một vệt sao băng của trận Orionid trên bầu trời thành phố Montrose, bang South Dakota. Hình ảnh: Aaron Groen.
Một vệt sao băng của trận Orionid trên bầu trời thành phố Montrose, bang South Dakota. Hình ảnh: Aaron Groen.

Chủ nhật, 22/10/2017

Dù bài viết này toàn nói về các chòm sao mùa đông, nhưng dù sao bây giờ vẫn là thời gian tốt để quan sát các chòm sao mùa thu mà. Tối nay, hãy thưởng thức một tối cuối tuần thanh nhẹ bằng việc nằm thẳng ra bãi cỏ gần nhà, rồi hướng mắt lên thiên đỉnh, để quan sát nhóm sao Hình vuông lớn của Phi Mã.

Chòm sao Pegasus (Ngựa bay) mang trong mình một nhóm sao hình tứ giác gần vuông rất đáng chú ý. Một ngôi sao của hình vuông được gọi theo hai tên, bởi lẽ nó là ngôi sao chung với chòm sao Andromeda (Công chúa). Hoặc là Alpha Andromedae, hoặc là Delta Pegasi. Tuy nhiên, cái tên Delta Pegasi giờ đây đã không còn được dùng nữa, tên chính thức của nó bây giờ là Alpha Andromedae hay Alpheratz.

> Bạn có thể xem chi tiết về nhóm sao này tại bài viết Chòm sao Pegasus - Nhóm sao Hình vuông lớn của Phi Mã.

Tuấn Anh