Header Ads

Danh nhân khoa học: Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận

Danh nhân ka học: Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận - Tiểu Tinh cầu TV3KTrịnh Xuân Thuận là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông cũng là một nhà văn với nhiều tác phẩm có giá trị học thuật cao về khoa học và thể hiện quan điểm của mình về mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và văn hóa, hiện đang là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ.

Chân dung Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Bản quyền hình ảnh: Sophie Chivet/Agence VU'.
Chân dung Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Bản quyền hình ảnh: Sophie Chivet/Agence VU'.

Ông sinh ngày 20 tháng 8 năm 1948 tại huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc địa phận thành phố Hà Nội. Lên 6 tuổi, ông theo gia đình di cư vào miền nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết tiến hành chia đôi đất nước tại vĩ tuyến thứ 17.

Khi vào nam, ông theo học tại trường Lycée Yersin rồi sau chuyển về Sài Gòn học tại trường Jean Jacques Rousseau (nay là trường THPT Lê Quý Đôn thuộc Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thuở nhỏ, ông đã sớm có niềm ham thích với bầu trời đêm và những vì tinh tú, ông đã không ngừng đặt ra những thắc mắc của chính mình về sự bao la của màn đêm. Năm 1966, ông đậu tú tài rồi rời Việt Nam, đến Thụy Sĩ du học ngành vật lý.

Một năm sau đó, nhờ thành tích xuất sắc nổi trội, ông được học bổng và được tuyển thẳng vào năm hai tại ba trường danh tiếng của Hoa Kỳ là Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology, hay MIT) ở Boston, Viện Công nghệ California (California Institute of Technology, thường gọi là Caltech) ở California, và Đại học Princeton ở New Jersey. Ông đã chọn Caltech vì ở đó có những giáo sư giỏi hàng đầu thế giới, có những người đã đoạt giải Nobel.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Caltech từ năm 1967 đến năm 1970, ông tiếp tục theo học tại Đại học Princeton từ năm 1970 đến năm 1974 và bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Năm 1976, ông trở thành giáo sư ngành vật lý thiên văn tại Đại học Đại học Virginia, Hoa Kỳ và giữ công việc này cho đến ngày nay.

Trong lĩnh vực thiên văn học, ông có rất nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và được dịch thuật rộng rãi sang 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Được viết bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ và lãng mạn của một thi sĩ sành sỏi thiên văn, những cuốn sách của ông dễ dàng tiếp cận đến mọi người và được tiếp nhận nồng nhiệt.

"Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó", cuốn sách mới nhất của Trịnh Xuân Thuận được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 năm 2015. Hình ảnh: Tuoitrethudo.vn.
"Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó", cuốn sách mới nhất của Trịnh Xuân Thuận được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 năm 2015. Hình ảnh: Tuoitrethudo.vn.

Nổi bật có cuốn La Mélodie secrète (Giai điệu bí ẩn) viết vào năm 1994 của ông được đánh giá cao và trở thành best-seller ở Pháp. Cuốn sách kể về những nỗ lực của loài người trong việc 'lắng nghe' tự nhiên và vũ trụ, bắt đầu với những lý thuyết về vũ trụ trước khi thuyết Vụ nổ lớn xuất hiện, vũ trụ quan của người Trung Hoa cổ xưa, vũ trụ toán học của Pythagor, vũ trụ nhật tâm của Copernicus, và quan điểm về thế giới của những nhà thiên văn thời trước.

Ở phần sau, ông vẽ nên bức tranh toàn cảnh mà chi tiết về các công trình khám phá vũ trụ của những nhà thiên văn hiện đại qua ngòi bút thơ mộng, về cách họ nghiên cứu, các thiết bị họ sử dụng với những khám phá khoa học nổi bật đương thời. Tất nhiên bất kỳ kiểm nghiệm nào về nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, đều phải nảy sinh các vấn đề về tôn giáo, ông làm rõ vấn đề này và đặt đúng vị trí của Thiên Chúa vào vũ trụ học thuyết Big Bang.

Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới khác như Le Chaos et l'Harmonie (Hỗn độn và Hài hòa), năm 1992, bản dịch Việt ngữ năm 2003; Origines - la nostalgie des commencements (Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu), năm 2003, bản dịch Việt ngữ năm 2006, Dictionnaire amoureux du Ciel et des Étoiles (Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao), năm 2009; bản dịch Việt ngữ năm 2011; ...

Ông đã nhiều lần về Việt Nam để tham gia giảng dạy cho sinh viên trong nước cũng như tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên ngành vật lý thiên văn và vũ trụ học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quy Nhơn. Lần gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2016.

GS Trịnh Xuân Thuận giao lưu, trả lời các câu hỏi của khán giả tại một buổi nói chuyện chuyên ngành ở Quy Nhơn. vào tháng 7 năm 2016. Hình ảnh: Hoàng Trọng/Thanh Niên.
GS Trịnh Xuân Thuận giao lưu, trả lời các câu hỏi của khán giả tại một buổi nói chuyện chuyên ngành ở Quy Nhơn. vào tháng 7 năm 2016. Hình ảnh: Hoàng Trọng/Thanh Niên.

Ông được Tổng thống Pháp François Mitterrand mời làm thành viên trong phái đoàn của ông khi sang thăm chính thức Việt Nam vào năm 1993. Năm 2007, ông được nhận giải thưởng Moron của Viện Hàn lâm Pháp cho tác phẩm Les Voies de la lumière (Những con đường của ánh sáng).

Năm 2009, với sự say mê dành cả cuộc đời của mình cho khoa học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được UNESCO trao tặng giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009 (người thứ hai cũng được trao tặng cùng năm là Giáo sư Yash Pal người Ấn Độ).

Gần đây nhất vào năm 2014, ông được nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp vì đã tận tụy góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa khoa học và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Đây là huân chương danh giá nhất của Pháp quốc, được Hoàng đế Napoléon Bonaparte công nhận năm 1802.

Dòng họ Trịnh Xuân của ông là hậu duệ của Chúa Trịnh Tùng (vị Chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam), quê gốc ở Thanh Hóa nhưng định cư ở Thanh Oai, Đông Kinh nay thuộc thành phố Hà Nội. Rất nhiều người mang họ này thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau và giữ các chức vụ cao trong quốc gia.

Cha của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là Trịnh Xuân Ngạn, giữ chức Chánh án Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa, nhưng sau năm 1975 ông bị bắt đi học tập cải tạo, chính Trịnh Xuân Thuận lúc này phải viết thư nhờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp. Ông Ngạn sau đó được thả tự do và định cư ở Pháp.

Ông nội của Trịnh Xuân Thuận có hai người vợ, nên cha ông Thuận là ông Ngạn có một em trai cùng cha khác mẹ là Tiến sĩ sử học Trịnh Xuân Giới, từng giữ chức Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương và Phó ban Dân vận. Con trai của ông Giới là Trịnh Xuân Thanh, người từng giữ chức Phó chánh văn phòng Bộ Công thương, và các chức vụ cao cấp trong Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hiện đang vướng vào các vụ bê bối chính trị.

Quang Niên/Ftvh
Tổng hợp. Tham khảo RFI, France-Science, Dân Trí, Vietnamnet