Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Quan sát bầu trời đón năm mới Đinh Dậu

Vậy là một năm cũ lại trôi qua, chúng ta đang sắp bước vào những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới – năm Đinh Dậu.

Vào tối nay, đêm cuối cùng của năm Bính Thân, Mặt Trăng sẽ không xuất hiện mà để lại cho bạn cả bầu trời đêm thật tối để quan sát bầu trời. Mời bạn hãy quan sát một số tiêu điểm đáng chú ý trên bầu trời đêm nay, nhé.

Quan sát bầu trời đón năm mới Đinh Dậu.
Quan sát bầu trời đón năm mới Đinh Dậu.

Ngay khi màn đêm vừa buông xuống, ánh chiều tà dần khuất bóng nơi trời tây, bạn hãy ra ngoài trời và nhìn về hướng tây để quan sát hai hành tinh tỏa sáng ở vùng trời này.

Chấm sáng chói không nhấp nháy màu vàng-trắng, dĩ nhiên, chính là Sao Kim – hành tinh tỏa sáng nhất trên bầu trời đêm Trái Đất. Với độ sáng -4,21, bạn sẽ quan sát được hành tinh này rất rạng rỡ từ chiều cho đến khuya.

Ngay bên trên đó, là một chấm sáng ít sáng hơn, có màu đỏ. Đó chính là Sao Hỏa – hành tinh với sắc đỏ đặc trưng, người hàng xóm của Trái Đất trong Hệ Mặt Trời.

Với độ sáng biểu kiến +1,27, Sao Hỏa sẽ tỏa sáng cùng Sao Kim ở bầu trời hướng tây cho sau 9 giờ rưỡi tối. Bạn có thể dùng kính thiên văn để quan sát rõ ràng bề mặt hai hành tinh này, nhé.

Quay về bầu trời hướng đông, nơi chứa một kho báu với hàng ngàn vì sao lấp lánh. Từ buổi tối, Lục giác mùa đông đã xuất hiện và thống lãnh trọn vẹn bầu trời hướng đông.

Thật không khó để bắt được 7 ngôi sao sáng, là 6 đỉnh của nhóm sao hình lục giác này. Bạn có thể xem chi tiết tại đây, nhé: http://vutrutrongtamtay.org/2015/02/luc-giac-mua-dong-tren-bau-troi-nhung-dem-nghi-tet.html

Khi thời khắc chuyển giao tân niên đã điểm, bầu trời hướng đông sẽ xuất hiện thêm một vì tinh tú nữa. Nó thực ra không phải là một ngôi sao, nó là một hành tinh – Sao Mộc – hành tinh to lớn nhất Hệ Mặt Trời.

Sao Mộc sẽ tỏa sáng gần ngôi sao Spica màu xanh-trắng của chòm sao Virgo (Trinh nữ) từ sau nửa đêm cho đến sáng. Nếu Sao Mộc không sáng đúng độ sáng biểu kiến thực tế của nó là -1,7, bạn sẽ nó trên bầu trời buổi sáng mùng 1.

Sáng sớm mùng 1 thức dậy thật sớm để chạy một vòng, nấu món gì đó, đọc một chương sách, hay đi lễ Chùa/Nhà thờ thì thật là thú vị. Nhưng càng thú vị hơn khi bạn quan sát một chòm sao thú vị ở trực nam phương bầu trời.

Đó là Crux – Thập tự Phương nam, một chòm sao có hình dáng chữ thập nằm ở bầu trời hướng nam. Ngôi sao này chỉ có 4 ngôi sao sáng, tạo thành hình thập tự, thật quá dễ dàng để nhận ra.

Chòm sao này là một chòm sao của bầu trời bán cầu nam, Việt Nam là một quốc gia ở bán cầu bắc, nên việc quan sát chòm sao này cũng tương đối khó khăn. Crux sẽ không lên cao quá 20 độ khi quan sát tại Việt Nam.

Đó là 4 tiêu điểm quan sát thú vị để chào đón năm mới Đinh Dậu. Chúc các bạn có một đêm đẹp trời để quan sát những ngôi sao sáng, với hy vọng một năm mới được thắp sáng bởi các vì tinh tú.

Quang Niên