Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Đón xem mưa sao băng Leonid vào rạng sáng 17, 18/11

Đón xem mưa sao băng Leonid vào rạng sáng 17, 18/11Vào rạng sáng ngày 17 và 18/11 tới đây, chúng ta sẽ được quan sát mưa sao băng Leonid. Đây là một cơn mưa sao băng trung bình với khoảng 15 sao băng mỗi giờ lúc đạt cực đại.

Cơn mưa sao băng này được gọi là Leonid vì tâm điểm xuất phát của nó bắt đầu từ chòm sao Leo (Sư Tử), tức là những vệt sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao này. Cơn mưa sao băng này diễn ra từ ngày 15/11 đến 22/11 hằng năm, và năm nay đạt cực điểm là vào rạng sáng 17 và 18/11.

Những vệt sao băng của trận mưa sao băng Leonid trên bầu trời thành phố Liberty Hill, bang Texas, Hoa Kỳ. Hình ảnh: Michael Mauldin.
Những vệt sao băng của trận mưa sao băng Leonid trên bầu trời thành phố Liberty Hill, bang Texas, Hoa Kỳ. Hình ảnh: Michael Mauldin.

Quan sát mưa sao băng Leonid khi nào?

Chòm sao Leo mọc lên bầu trời hướng đông từ 1 giờ sáng. Vậy bạn hãy bắt đầu quan sát mưa sao băng Leonid từ 2 giờ sáng, ngày 17 và 18 tháng 11, ở bầu trời hướng đông.

Ngoài ra bạn cũng có thể quan sát được từ ngày 15/11 đến 22/11. Những ngày không phải cực đại của cơn mưa sao băng cũng có thể quan sát được sao băng, nhưng số lượng sao băng ít hơn so với đêm cực đại.

Nhìn về bầu trời hướng đông từ 2 giờ sáng để quan sát mưa sao băng Leonid tỏa ra từ chòm sao Leo (Sư Tử).
Nhìn về bầu trời hướng đông từ 2 giờ sáng để quan sát mưa sao băng Leonid tỏa ra từ chòm sao Leo (Sư Tử).

Năm nay với sự xuất hiện của Trăng vừa tròn, với ánh sáng khá sáng, có thể giảm bớt số lượng sao băng quan sát được của bạn.

Quan sát mưa sao băng Leonid ở đâu?

Ở mọi nơi trên Trái Đất đều quan sát được mưa sao băng Leonid, nghĩa là nơi ở cũng bạn cũng thế. Tuy nhiên, muốn quan sát được mưa sao băng thì nơi ở của bạn phải không có ánh sáng đèn đường và không có mây mù che phủ bầu trời.

Vậy nên hãy chắc chắn rằng nơi bạn quan sát sẽ thật tối, không có ánh sáng thành phố và có một bầu trời trong vắt, lấp lánh sao sáng. Dĩ nhiên hướng đông nơi bạn quan sát cũng phải thoáng, không có tòa nhà hay vật cản nào che khuất.

Bạn không cần phải tìm ra tiêu điểm của mưa sao băng Leonid (nơi xuất phát những vệt sao băng), chỉ cần nhìn về hướng đông và quan sát những vệt sao băng tỏa ra từ đây.

Ngoài ra còn nhiều bạn thắc mắc rằng hướng đông là hướng nào? Sáng sớm thức dậy, bạn nhìn thấy Mặt Trời mọc lên từ hướng nào, thì đó là hướng đông.

Quan sát mưa sao băng Leonid như thế nào?

Hãy nằm thẳng ra bãi đất trống trải và nhìn thẳng lên bầu trời. Mặc dù mưa sao băng Leonid có xuất phát điểm từ chòm sao Leo ở hướng đông, nhưng những vệt sao băng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Bạn không cần phải sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn để quan sát mưa sao băng. Chỉ cần một cặp mắt rõ để quan sát những vệt sao băng xẹt ngang qua bầu trời.

Sao băng di chuyển rất nhanh trên bầu trời. Mỗi vệt sao băng Leonid có thể đạt tốc độ lên đến 70 km/h khi chúng đi vào khí quyển Trái Đất. Vậy nên bạn chỉ cần quan sát bằng mắt thường. Vì khi quan sát qua kính thiên văn, bạn sẽ không kịp chỉnh kính để quan sát chúng.

Mưa sao băng Leonid thường xuất hiện những fireball (quả cầu lửa), kéo dài và phát sáng trên bầu trời. Bản quyền hình ảnh: Navicore/Wikimedia Commons.
Mưa sao băng Leonid thường xuất hiện những fireball (quả cầu lửa), kéo dài và phát sáng trên bầu trời. Bản quyền hình ảnh: Navicore/Wikimedia Commons.

Những chú ý khi quan sát mưa sao băng

Như đề cập ở trên. Để quan sát tốt mưa sao băng, địa điểm bạn quan sát phải cách xa ánh đèn thành phố, không có mây mù che phủ bầu trời.

Khi quan sát bầu trời đêm nói chung hay mưa sao băng nói riêng, bạn cần để mắt mình trong bóng tối khoảng 15 đến 20 phút, cho mắt làm quen với bóng tối và mắt bạn sẽ quan sát được nhiều hơn.

Trong quá trình quan sát, không nên sử dụng điện thoại hay các thiết bị có màn hình sáng. Điều này có thể gây hại đến mắt bạn và ảnh hưởng trước mắt đến buổi quan sát khi mắt bị lóa và khó quan sát rõ được bầu trời đêm. Vậy nên đừng vừa quan sát mưa sao băng, vừa cập nhật trạng thái lên mạng.

Nếu có nhu cầu sử dụng đèn pin thì hãy lấy giấy bóng (giấy kính trong suốt) màu đỏ che ở đầu đèn. Nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị có màn hình sáng, thì tải các phần mềm tạo bộ lọc màu đỏ cho màn hình và giảm bớt độ sáng màn hình.

Sao băng là gì? Mưa sao băng là gì?

Sao băng xảy ra khi những hạt bụi vũ trụ, các viên đá nhỏ trong không gian, rơi vào bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ rất cao và bốc cháy.

Hầu hết những vật thể tạo nên sao băng đều rất nhỏ, vì thế chúng sẽ bị đốt cháy hết trên đường đi chứ không rơi xuống mặt đất. Trừ những vật thể tương đối lớn, không đốt cháy hết trên đường đi thì sẽ rơi xuống mặt đất.

Những tảng đá vũ trụ tương đối lớn, trước khi rơi xuống mặt đất, sẽ bị đốt cháy rất dữ dội và phát sáng một vệt dài rất sáng trên bầu trời, chúng được gọi là fireball (quả cầu lửa).

Mưa sao băng là nhiều sao băng xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời. Tuy gọi là mưa sao băng, nhưng chúng không xuất hiện một cách nhiều và liên tục như mưa nước.

Bất cứ đêm nào trong năm bạn cũng có thể quan sát được sao băng, nhưng với số lượng rất ít. Khi đến những đợt mưa sao băng, lượng sao băng sẽ tăng lên và bạn sẽ quan sát được nhiều sao băng trong một đêm.

Thông tin thêm về mưa sao băng Leonid

Mưa sao băng Leonid được tạo thành bởi những mảnh vỡ bụi khí từ sao chổi Tempel-Tuttle khi nó đi ngang quỹ đạo của Trái Đất. Sao chổi này quay một vòng quanh Mặt Trời mất 33 năm.

Mưa sao băng Leonid có chu kỳ mỗi 33 năm sẽ trở thành một cơn bão sao băng. Leonid đã từng trở thành bão sao băng vào năm 1833, 1866 nhưng mãi cho tới năm 1966 thì bão sao băng Leonid mới được quan sát thấy.

Tranh vẽ của Elsevier/M. Littmann về bão sao băng Leonid năm 1833.
Tranh vẽ của Elsevier/M. Littmann về bão sao băng Leonid năm 1833.

Bão sao băng là những cơn mưa sao băng lớn, với hơn 1000 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực đại. Nhưng rất tiếc, năm 2016 không phải là năm của bão sao băng Leonid.

Năm 2031 và 2064, khi sao chổi Tempel-Tuttle (thiên thể gốc của mưa sao băng Leonid) quay trở lại, nó sẽ tạo nên màn trình diễn sao băng tuyệt vời trên bầu trời với lượng sao băng trung bình lúc cực đại có thể lên đến 100 sao băng mỗi giờ.

Quang Niên