Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

4 tiêu điểm quan sát trên bầu trời tháng 11 năm 2016

Tháng 11 đến cùng với những cơn gió lạnh đầu đông. Tuy thế, điều đó không ngăn cản được nhiệt huyết cháy bỏng của những người yêu thiên văn học, yêu vẻ đẹp của bầu trời.

Ngược lại, họ lại đang chuẩn bị sẵn sàng để mặc áo khoác đứng hàng giờ chờ phơi sáng ảnh, nằm dưới cái lạnh để chờ những vệt sao băng hay thức đêm chỉ để đợi những mục tiêu lý tưởng.

Những sự kiện, hiện tượng dưới đây cũng có thể sẽ khiến nhiều người phải thao thức.

4 tiêm điểm quan sát trên bầu trời tháng 11 năm 2016.
4 tiêm điểm quan sát trên bầu trời tháng 11 năm 2016.

Vesta tiếp cận Beehive

  Thời gian: Suốt tháng
  Thiết bị quan sát: Ống nhòm hoặc Kính thiên văn

Vesta không phải tiểu hành tinh lớn nhất hay sáng nhất khi nhìn từ Trái Đất. Đôi khi nó đạt độ sáng biểu kiến là +5,5, tức đủ sáng để thấy được bằng mắt thường trong điều kiện quan sát tốt, nhưng không phải tháng này. Các tiểu hành tinh giống như Vesta là các thiên thể nhỏ phản xạ lại ánh sáng từ Mặt Trời.

Từ Trái Đất nhìn chúng giống như các vì sao mờ nhạt, chính vì thế việc nhận dạng là không dễ. Cách tốt nhất là hãy quan sát qua vài đêm và kiểm tra xem có thiên thể nào không di chuyển cùng với những vì sao khác ở xung quanh hay không. Đó có thể là một tiểu hành tinh.

Cụm sao Beehive trong chòm sao Cancer sẽ mọc lên bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm. Bạn hãy quét ống nhòm hoặc kính thiên văn qua khu vực này để tìm ra cho mình tiểu hành tinh Vesta.
Cụm sao Beehive trong chòm sao Cancer sẽ mọc lên bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm. Bạn hãy quét ống nhòm hoặc kính thiên văn qua khu vực này để tìm ra cho mình tiểu hành tinh Vesta.

Tháng 11 này là một cơ hội tốt khi Vesta tiến gần cụm sao mở nổi tiếng Messier 44, hay có tên gọi là Cụm sao Beehive, Cụm sao Tổ ong, với độ sáng biểu kiến là +3,1. Cụm sao này nằm trong chòm sao Cancer (Cự Giải, hay Con cua) nổi tiếng.

Trong tháng 11, độ sáng của Vesta sẽ dao động trong khoảng từ +7,9 đến +7,3, vì thế nhà quan sát cần dành ra vài đêm để theo dõi cụm sao này thông qua ống nhòm hoặc kính thiên văn sử dụng độ phóng đại thấp. Để ý đến một “ngôi sao” mờ nhạt dường như di chuyển không đồng thời cùng với các sao xung quanh trong cụm sao Beehive. Máy ảnh cũng là một công cụ tốt để săn tìm tiểu hành tinh.

Mặt Trăng giao hội với Sao Mộc

  Thời gian: Từ nửa đêm ngày 25/11
  Thiết bị quan sát: Mắt thường hoặc Ống nhòm

Mặt Trăng và Mộc Tinh sẽ nằm gần nhau trên bầu trời sau nửa đêm 25/11 tới đây, chúng sẽ cách nhau 1 độ 50 phút.

Cặp đôi thiên thể này sẽ xuất hiện trên bầu trời sau nửa đêm. Chúng mọc lên từ chân trời hướng đông lúc 2:37 sáng. Chúng lên cao nhất trên bầu trời vào lúc 5:38 sáng, cao 43° so với chân trời hướng đông, chúng sẽ vẫn còn ở đó nhưng bị chìm trong ánh sáng ban ngày của Mặt Trời.

Bạn có thể ngủ một đêm thật ngon rồi dậy sớm để chạy vài vòng rồi quan sát Sao Mộc giao hội cùng Mặt Trăng vào sáng sớm ngày 25/11.
Bạn có thể ngủ một đêm thật ngon rồi dậy sớm để chạy vài vòng rồi quan sát Sao Mộc giao hội cùng Mặt Trăng vào sáng sớm ngày 25/11.

Vào thời điểm giao hội, Mặt Trăng có độ sáng biểu kiến là -10,6, trong khi Mộc Tinh có độ sáng biểu kiến là -1,8. Cả hai đều nằm trong khu vực chòm sao Virgo (Xử Nữ, hay Trinh nữ).

Với khoảng cách như vậy, nên chúng sẽ dễ dàng lọt vào vừa một trường nhìn của kính thiên văn. Bạn cũng có thể quan sát chúng qua ống dòm hoặc bằng mắt thường.

Siêu Mặt Trăng nổi bật nhất trong năm

  Thời gian: Ngày 14/11
  Thiết bị quan sát: Mắt thường hoặc Ống nhòm

Trăng tháng 11 sẽ tròn vào lúc 20 giờ 52 phút ngày 14 tháng 11 (giờ Việt Nam). Pha trăng tròn tháng này còn được gọi là Siêu Mặt Trăng.

Điểm đặc biệt là lần Siêu Trăng này không chỉ là sáng nhất, lớn nhất và gần nhất trong năm mà cũng là lần gần nhất kể từ Siêu Trăng ngày 26/1/1948, tức gần nhất của 68 năm qua.

Siêu Mặt Trăng tháng 10 vừa qua được chụp tại Washington D.C., Hoa Kỳ. Tiền cảnh là bức tượng sáu người lính Thủy quân lục chiến cắm cờ trên đỉnh núi Suribachi năm 1945. Hình ảnh: Xinhua.
Siêu Mặt Trăng tháng 10 vừa qua được chụp tại Washington D.C., Hoa Kỳ. Tiền cảnh là bức tượng sáu người lính Thủy quân lục chiến cắm cờ trên đỉnh núi Suribachi năm 1945. Hình ảnh: Xinhua.

Thêm nữa, phải đến 25/11/2034, trăng mới lại đến gần như vậy. Đây sẽ là lần thứ 5 trong tổng số 6 lần Siêu Trăng của năm 2016, lần cuối diễn ra vào dịp trăng tròn tháng 12, nhưng chắc chắn không hoành tráng như Siêu Trăng tháng này.

Lưu ý, kích cỡ biểu kiến và độ sáng biểu kiến của Siêu Mặt Trăng so với những lần trăng tròn thông thường sẽ không khác biệt quá nhiều nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Tức là, nếu bạn quan sát bằng mắt thường, bạn có thể sẽ không nhận thấy được sự khác biệt. Hãy chụp hình Mặt Trăng tròn thông thường rồi so sánh với Siêu Mặt Trăng để thấy sự khác biệt rõ ràng hơn.

Mưa sao băng Taurid và Leonid

  Thời gian: Ngày 15 đến 20/11 đối với mưa sao băng Leonid,  Ngày 1 đến 14/11 đối với mưa sao băng Taurid
  Thiết bị quan sát: Chỉ cần mắt thường

Có 3 trận mưa sao băng đáng chú ý trong tháng này.

Đầu tiên là mưa sao băng Leonid, nổi tiếng về những trận "bão sao băng" cực lớn cứ sau khoảng 33 năm, nhưng rất tiếc không phải trong năm nay. Leonid sẽ đạt cực điểm vào ngày 17 và 18/11 với trung bình khoảng 20 vệt/giờ. Mặt Trăng vừa tròn, rất sáng sẽ gây cản trở đáng kể việc quan sát.

Quả cầu lửa từ trận mưa sao băng Taurid bên trên những cây Joshua ở California, Hoa Kỳ. Hình ảnh: Channone Arif.
Quả cầu lửa từ trận mưa sao băng Taurid bên trên những cây Joshua ở California, Hoa Kỳ. Hình ảnh: Channone Arif.

Mưa sao băng Taurid có lẽ là mục tiêu sáng giá hơn mặc dù lượng sao băng trung bình thường chỉ đạt đến 7 vệt/giờ. Thực tế Taurid gồm hai dòng mưa sao băng riêng biệt là Taurid Bắc và Taurid Nam, cả hai đều bắt nguồn từ sao chổi 2P/Encke.

Taurid Bắc diễn ra từ ngày 10/9 đến 20/11 hàng năm và đạt cực đại vào khoảng 10/10. Còn Taurid Nam lại diễn ra từ 20/10 đến 10/12, đạt đỉnh vào 12/11 khi trăng đang sắp tròn. Điều đặc biệt là cả hai dòng có dải thời gian cực đại rộng, có nghĩa nếu bạn bỏ lỡ đêm nay bạn có thể quan sát vào đêm sau mà tần suất không suy giảm.

Ngoài ra trong những năm trước, Taurid thường được biết đến với sự xuất của những quả cầu lửa (fireball) sáng chói, chầm chậm quét ngang bầu trời. Bạn hãy nhìn về chòm sao Taurus cao trên bầu trời hướng đông bắc sau nửa đêm để quan sát những vệt sao băng tỏa ra từ đây.

Công Thắng
Theo BBC Sky at Night Issue 138, EarthSky, Space