Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Quan sát bầu trời tháng 5 - Nhóm sao Bắc Đẩu và sao Bắc cực

Quan sát bầu trời tháng 5 - Nhóm sao Bắc Đẩu và sao Bắc cựcTháng 5 hằng năm là thời gian tốt để quan sát một nhóm sao nổi bật của bầu trời phương bắc. Nhóm sao giống với chòm sao ở chỗ nó đều là những ngôi sao được nối lại với nhau thành một hình dạng dễ nhớ nào đó, và đều có nguồn gốc từ xa xưa. Tuy nhiên chòm sao thì được công nhận chính thức và có 88 chòm sao, còn nhóm sao thì không được công nhận.

Nhóm sao mà Ftvh sẽ giới thiệu tới các bạn hôm nay là nhóm sao Bắc Đẩu. Đây là một nhóm sao được nối lại từ 7 ngôi sao thuộc chòm sao Đại Hùng hay Gấu lớn (Ursa Major). Tên Hán Việt của nhóm sao là Bắc Đẩu Thất Tinh, tiếng Anh nước Mỹ gọi là Big Dipper và tiếng Anh nước Anh gọi là Plough. Chữ Đẩu (斗) có nghĩa là cái đấu, cái chén, cái vại. Chữ dipper nghĩa là cái muỗng, cái gàu. Còn plough nghĩa là cái cày.




Bắc Đẩu xuất hiện trên bầu trời trong suốt năm. Vào mùa xuân và mùa hè, Bắc Đẩu nằm cao trong khi vào mùa thu và mùa đông thì nó nằm gần chân trời. Từ tháng 3 bạn đã thấy phần gàu múc nước mọc dần ở hướng bắc khi màn đêm buông xuống và toàn bộ Bắc Đẩu sẽ lên cao vào nửa đêm. Nhưng vào các buổi tối mùa thu, chỉ có phần tay cầm dựng đứng từ hướng bắc. Và vào những đêm mùa đông, toàn bộ Bắc Đẩu sẽ mọc từ sau nửa đêm.

Bảy ngôi sao của Bắc Đẩu theo thiên văn học phương Tây là Alkaid, Mizar, Alioth, Megrez, Phad, Dubhe và Merak. Chỉ cần 7 ngôi sao này bạn có thể định hướng được các khu vực khác của bầu trời và xác định được phương hướng địa lý.

Đầu tiên bạn sẽ xác định được hướng bắc. Bạn hãy nối hai ngôi sao ngoài cùng của Bắc Đẩu là Dubhe và Merak, rồi đi tiếp một đoạn thẳng gấp khoảng 5 lần đoạn vừa nối, bạn sẽ gặp một ngôi sao có độ sáng trung bình. Ngôi sao đó tên là Polaris, nó nằm ở vị trí thiên cực bắc nên được gọi là sao Bắc cực, nó nằm ngay hướng bắc của bầu trời nên hướng có mặt của sao Polaris là hướng bắc.

Sao Polaris thuộc chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng), là một chú gấu nhỏ hay một cái đẩu nhỏ so với Ursa Major là một chú gấu lớn hay một cái đẩu lớn. Do Trái Đất tự quay quanh trục nên trong suốt đêm bạn sẽ thấy các ngôi sao di chuyển, trừ sao Polaris hầu như sẽ đứng yên để các ngôi sao khác di chuyển quanh nó.

Do hiện tượng tiến động, nên sao Bắc cực sẽ thay đổi theo thời gian, ngôi sao nào đủ sáng và nằm gần thiên cực bắc đều được gọi là sao Bắc cực. Năm 2787 TCN, ngôi sao Thuban mờ nhạt của chòm sao Draco nằm gần như chính xác ở thiên cực bắc, và nó được chọn làm sao Bắc cực. Hàng thế kỷ sau đó, bắc bán cầu không có sao Bắc cực nào cho tới năm 1100 TCN sao Kochab cũng thuộc chòm Ursa Minor trở thành sao Bắc cực.

Trong tương lai, người kế nhiệm của Polaris để trở thành sao Bắc cực là sao Errai (Gamma Cephei) vào khoảng năm 4000 và sao Alderamin (Alpha Cephei) khoảng vào năm 7500, cả hai đều thuộc chòm sao Cepheus.

Tại sao tên của sao Bắc cực sẽ tiếp tục thay đổi ? Trục nghiêng của Trái Đất luôn được duy trì trong khoảng từ 22 độ đến 24 độ đối với mặt phẳng quỹ đạo xung quanh Mặt Trời theo chu kỳ 41.000 năm. Nhưng trong khoảng thời gian 26.000 năm (chu kì của tiến động), trục của Trái Đất sẽ chỉ ra các sao Bắc cực khác nhau, sẽ vẽ ra một vòng tròn trên trời. Bất cứ ngôi sao nào nằm trên hoặc gần vòng tròn đó sẽ được coi là một sao Bắc cực.


Nếu bạn đứng ở cực bắc Trái Đất, bạn sẽ thấy sao Bắc cực nằm thẳng trên đỉnh đầu. Vĩ độ của Hà Nội là 21 độ Bắc nên bạn sẽ thấy sao Bắc cực nằm cao 21 độ so với chân trời hướng bắc, tương tự với vĩ độ của Sài Gòn là 10 độ Bắc nên bạn sẽ thấy sao Bắc cực nằm cao 10 độ so với chân trời hướng bắc. Còn nếu bạn quan sát ở nam bán cầu, tức là về phía nam so với đường xích đạo, bạn sẽ không thể thấy được ngôi sao này.

Ngoài sao Bắc cực ra, bạn cũng có thể tìm ra được những chòm sao khác từ Bắc Đẩu.

Từ tay cầm của gàu múc nước Bắc Đẩu bạn hãy vẽ một vòng cung là sẽ gặp hai ngôi sao sáng là Arcturus màu đỏ cam của chòm sao Bootes (Thợ săn gấu) và Spica màu xanh trắng của chòm sao Virgo (Trinh nữ).

Bạn hãy nối hai ngôi sao Megrez và Phad rồi đi thẳng là sẽ gặp sao sáng Regulus của chòm sao Leo (Sư tử). Ngôi sao màu trắng xanh này tượng trưng cho trái tim của chú sư tử.

Hoặc từ hai ngôi sao Megrez và Merak bạn cũng có thể đi một đường thẳng tới ngôi sao Castor, từ sao Castor bạn dễ dàng thấy được sao sáng còn lại của chòm Gemini là sao Pollux. Hai sao này tượng trưng cho đầu của hai anh em sinh đôi Gemini.

Hai ngôi sao cuối cùng của tay cầm gàu múc nước là Alkaid và Mizar sẽ dẫn bạn tới sao Capella sáng lấp lánh của chòm sao Auriga (Người đánh xe). Capella là một hệ sao đôi có màu vàng giống như Mặt Trời của chúng ta, nó sáng thứ 6 trên bầu trời.

Cuối cùng là từ ngôi sao Alioth của Bắc Đẩu, bạn nối nó đến sao Bắc cực, rồi đi thẳng nữa là sẽ gặp chòm sao Cassiopeia (Hoàng hậu) có hình dạng chữ W hay M đặc trưng. Tuy nhiên tháng 5 không phải là thời gian thích hợp để quan sát chữ W này. Và một điều nữa, là Bắc Đẩu thì đối diện với Hoàng hậu qua sao Bắc Cực, nên khi Bắc Đẩu lặn dần thì bà Hoàng hậu mới dần mọc lên.

Chiếc gàu Bắc Đẩu không chỉ là gàu chứa nước, mà còn chứa các thiên thể thú vị dành cho bạn quan sát.

Bạn có thể tìm thấy cho mình Messier 51 : Thiên hà Xoáy nước hay Whirlpool Galaxy ở phần cuối của tay cầm, gần sao Alkaid. Thiên hà này nằm hướng mặt về Trái Đất và cách chúng ta 23 triệu năm ánh sáng. Độ sáng biểu kiến của M51 là 8,4.

Quét kính thiên văn đến vùng gần đó, cũng ở gần sao Alkaid nằm cuối tay cầm gáu nước, là Messier 101 : Thiên hà Chong chóng hay Pinwheel Galaxy. Thiên hà này cách chúng ta 20,9 triệu năm ánh sáng và cũng hướng mặt về chúng ta với độ sáng biểu kiến là 7,8. Bạn có thể quan sát hai thiên hà này qua ống nhòm hay kính thiên văn cỡ nhỏ.

Một cặp thiên hà khác nằm gần nhau ở vị trí đầu của chú gấu lớn Ursa Major là Messier 81 và Messier 82. Hai thiên hà này lần lượt cách chúng ta là 11,8 và 11,4 triệu năm ánh sáng, với độ sáng biểu kiến là 6,9 và 8,4. Một chiếc kính thiên văn 6 inch có thể quan sát được khá chi tiết hai thiên hà này.

Bạn có thể truy cập trang lich.vutrutrongtamtay.org để xem Lịch thiên văn năm 2016.

Cảm ơn bạn đã chú ý theo dõi, hẹn gặp lại bạn trong các chương trình sau của Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay.

----------

* Xem bài đọc : http://vutrutrongtamtay.org/bau-troi-thang-5-nam-2016

* Thực hiện video và nội dung :
Anh Tuấn Nguyễn
AnhTuan@Ftvh.org

* Thuyết minh :
Xuân Oanh
OanhXuan@Ftvh.org

* Hình ảnh sử dụng trong video :

Polaris Timelapse
Pat McManaman
https://goo.gl/4ZXYA6
(00:15 - 00:25)

Màn đêm Ngân Hà
Hòa Vũ
https://goo.gl/FEXJs4
(00:25 - 00:46)

Big Dipper and Easter Skies
Miguel Claro
http://goo.gl/H8YPN5
(00:46 - 01:00)

Big Dipper over Peyto Lake
Alan Dyer
https://goo.gl/gsovtr
(01:00 - 01:17)

Big Dipper and the Falling Star
Babak A. Tafreshi
http://goo.gl/brkzGB
(01:17 - 01:45)

Time Lapse of Polaris (12-21-2012)
XT8andTheSkyAbove
https://goo.gl/7uADsR
(02:44 - 03:04)

Big Dipper on Roque Nublo
Alessandro Bagalini
https://goo.gl/WfJCs5
(04:12 - 04:17)

Big Dipper Tampa Florida
350z33
https://goo.gl/jMsO1R
(05:25 - 05:32)

Messier 51
G. Masi
http://goo.gl/0Rwuf2
(05:40 - 05:49)

Messier 101
Jeremy Perez
http://goo.gl/XaitYS
(06:05 - 06:13)

M81 and M82
GALEX Team, Caltech, NASA
http://goo.gl/Ap5eXd
(06:28 - 06:39)

* Hình ảnh minh họa bầu trời bởi phần mềm Stellarium
http://stellarium.org/

* Nhạc nền :
Lightless Dawn
Kevin MacLeod
YouTube Audio Library