Header Ads

Quan sát bầu trời đêm – Mùa Tết năm Ất Mùi

Chúng ta đang ở trong những ngày với không khí của một mùa xuân mới đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Trong những ngày nghỉ Tết nầy, nếu bạn muốn quan sát bầu trời đêm thì hãy cùng xem qua những thứ thú vị được ghi bên dưới đây và nhớ chú ý đón xem. Có rất nhiều thứ thú vị cho bạn quan sát, nhưng các hành tinh sáng chói, các chòm sao và thiên thể thú vị như các tinh vân và cụm sao đáng chú ý.

Quan sát bầu trời đêm : Mùa Tết năm Ất Mùi

Các hành tinh

Như thường lệ, cứ vào mỗi buổi chiều sau khi Mặt Trời lặn, bạn sẽ quan sát được hành tinh Kim sáng cùng với hành tinh Hỏa ít sáng hơn ở cao khoảng 20° so với chân trời hướng tây. Nếu bạn quan sát trong thành phố đầy ánh đèn thì bạn sẽ khó có thể thấy được hành tinh Hỏa. Cả hai sẽ lặn đi sau 7 giờ tối, nhưng hành tinh Kim thì mọc cao dần lên qua mỗi ngày còn hành tinh Hỏa thì ngược lại. Trong mùa Tết nầy chúng sẽ tạo nên một sự kiện đặc biệt và bạn hãy đọc chi tiết về nó ở phần sau.

Hành tinh Kim (sáng hơn) cùng với hành tinh Hỏa trên bầu trời nước Pháp ngày 16 tháng 2 năm 2015 vừa qua. Tác giả : Jean-Baptiste Feldmann.
Hành tinh Kim (sáng hơn) cùng với hành tinh Hỏa trên bầu trời nước Pháp ngày 16 tháng 2 năm 2015 vừa qua. Tác giả : Jean-Baptiste Feldmann.

Ngoài ra, khi ánh hoàng hôn dần tắt ở trời tây, bạn hãy đứng thẳng người và nhìn về hướng tây để thấy được hành tinh Kim, rồi quay lưng lại và nhìn về hướng đông, bạn sẽ thấy được hành tinh Mộc. Hai hành tinh sáng tỏa sáng cùng lúc ở hai hướng trời và bạn là trung tâm đứng ở giữa chúng, cảm giác thiệt thú vị. Nhưng sau 7 giờ tối thì hành tinh Kim sẽ lặn đi và chỉ còn hành tinh Mộc thống lãnh bầu trời đêm.

Vào lúc giao thừa, tức là 12 giờ khuya ngày 19 tháng 2, lúc đó đang có bắn pháo bông chào năm mới, nếu bầu trời trong thì bạn ngước nhìn thằng lên bầu trời là sẽ thấy ngay hành tinh Mộc. Thời gian nầy là thời gian của hành tinh Mộc khi nó mọc lên từ buổi tối, lên cao vào nửa đêm và lặn ở hướng tây, tức là nó ở trên bầu trời suốt đêm. Hành tinh Mộc có độ sáng là –2,1, nó tỏa sáng ở khu vực giữa chòm sao Leo (Sư tử) và chòm sao Cancer (Con cua).

Hành tinh Mộc nằm giữa chòm sao Leo (Sư tử) và Cancer (Con cua) cùng với cụm sao M44 vào ngày 16 tháng 2 năm 2015 vừa qua. Tác giả : Brodin Alain.
Hành tinh Mộc nằm giữa chòm sao Leo (Sư tử) và Cancer (Con cua) cùng với cụm sao M44 vào ngày 16 tháng 2 năm 2015 vừa qua. Tác giả : Brodin Alain.

Tiếp tục cảm giác lúc chiều nào. Từ lúc 2 giờ sáng tới 4 giờ sáng, bạn cũng hãy đứng thẳng người và nhìn về hướng tây, bạn sẽ thấy được hành tinh Mộc đang lặn dần xuống. Rồi quay lưng lại, nhìn thẳng về hướng đông, bạn sẽ thấy được hành tinh Thổ đang mọc lên ở đó. Hành tinh Thổ sẽ tỏa sáng cùng ngôi sao sáng màu đỏ cam tên là Antares của chòm sao Scorpius (Bò cạp).

Tóm lại, bạn sẽ quan sát được 4 hành tinh sáng. Hành tinh Kim và hành tinh Hỏa sẽ xuất hiện ở bầu trời hướng tây sau khi Mặt Trời lặn cho tới sau 7 giờ. Hành tinh Mộc xuất hiện suốt đêm khi mọc lên từ hướng đông vào buổi tối và lặn ở hướng tây vào sáng hôm sau. Hành tinh Thổ sẽ mọc lên ở hướng đông sau 2 giờ sáng.

Màn khiêu vũ tuyệt đẹp giữa nữ thần sắc đẹp Venus và thần chiến tranh Mars

Trong những buổi chiều mùa Tết năm Ất Mùi này, bạn sẽ quan sát được hành tinh Kim cùng hành tinh Hỏa tỏa sáng ở chân trời hướng tây vào mỗi buổi hoàng hôn sau khi Mặt Trời lặn. Chúng sẽ ở đó và lặn nhanh chóng sau 7 giờ tối.

Vào ngày 22 tháng 2 tới đây, hành tinh Kim và hành tinh Hỏa sẽ giao hội với nhau trên bầu trời với khoảng cách là 28 phút, đây là khoảng cách rất gần cho nên bạn sẽ thấy chúng nhập lại như là một ngôi sao mới vậy.

Thời gian tốt nhất mà bạn quan sát chúng là từ sau 6 giờ rưỡi chiều, lúc đó chúng sẽ nằm cao 20 độ so với chân trời hướng tây. Hành tinh Kim sẽ có độ sáng là -3,38 trong khi hành tinh Hỏa là +1,46. Hai hành tinh này nằm gần với nhau rồi dường như gộp lại nhau như tạo thành một ngôi sao mới rất sáng. Nhưng rất tiếc bạn chỉ có thể quan sát chúng từ khi Mặt Trời lặn cho tới trước 7 giờ rưỡi, thời gian rất ngắn và chúng nằm thấp gần chân trời, nên bạn hãy chủ động sắp xếp thời gian và vị trí nếu bạn muốn quan sát và chụp hình lại chúng.

Nhóm sao Lục giác mùa đông và Tam giác mùa đông

Chúng ta đã qua ngày Lập xuân và một năm mới nữa lại tới, như vậy mùa xuân đã xuất hiện ở mọi nơi rồi, nhưng bạn vẫn có thể quan sát được những chòm sao nổi bật của bầu trời mùa đông vào thời gian nầy. Và thay vì quan sát từng chòm sao riêng biệt thì bạn hãy quan sát nhóm sao Lục giác mùa đông và Tam giác mùa đông, chúng là những nhóm sao có các hình dạng mà các đỉnh được tạo nên từ các ngôi sao sáng của những chòm sao nổi bật trên bầu trời mùa đông.

Đầu tiên là Lục giác mùa đông, đây là một nhóm sao được tạo nên từ những ngôi sao sáng của các chòm sao khác nhau, chớ không phải là một chòm sao chánh thức. Nhóm sao nầy gồm 6 đỉnh từ 7 ngôi sao là sao Rigel của chòm sao Orion (Thợ săn), Aldebaran thuộc chòm sao Taurus (Con bò vàng), Capella từ chòm sao Auriga (Người đánh xe), Pollux và Castor trong chòm sao Gemini (Hai anh em) cùng với Procyon và Sirius lần lượt từ chòm sao Canis Minor (Chú chó nhỏ) và Canis Major (Chú chó lớn).

Khi màn đêm vừa buông xuống, bạn sẽ thấy chòm sao Orion nổi bật với ba ngôi sao thẳng hàng sẽ nằm thẳng trên đỉnh đầu của bạn, rồi bạn tỏa ra xung quanh sẽ thấy được các ngôi sao của nhóm sao Lục giác mùa đông. Cụ thể các sao Sirius, Procyon, Pollux, Castor nằm về hướng đông, sao Capella nằm về hướng bắc còn sao Aldebaran thì nằm về hướng tây so với chòm sao Orion. Bạn có thể sử dụng bản đồ sao hay các phần mềm bản đồ sao trên thiết bị di động để tìm ra nó dễ dàng hơn.

Còn nhóm sao Tam giác mùa đông thì sao ? Nó là một nhóm sao có hình dạng là một tam giác gần đều có 3 đỉnh, với hai đỉnh chung chia sẻ với Lục giác mùa đông là sao Procyon và sao Sirius của chòm sao Canis Minor (Chú chó nhỏ) và Canis Major (Chú chó lớn), đỉnh còn lại là sau Betelgeuse màu cam của chòm sao Orion.

Như vậy, Tam giác mùa đông nằm lọt vào trong Lục giác mùa đông, cho nên bạn không cần khó khăn khi tìm kiếm ra nó mà chỉ cần tìm kiếm Lục giác mùa đông trước hết là được. Vì hiện thời đã qua thời điểm quan sát tốt của chúng, nên từ sau nửa đêm, các chòm sao có góp mặt trong Lục/Tam giác mùa đông sẽ dần lặn xuống chân trời hướng tây.

Tóm lại, bạn sẽ quan sát được Lục giác mùa đông và Tam giác mùa đông từ khi màn đêm buông xuống ở cao trên đỉnh đầu và chúng sẽ lặn dần sau nửa đêm.

Ba chòm sao của bầu trời đêm mùa xuân

Vào nửa đêm, khi mà hành tinh Mộc cùng chòm sao Leo và Cancer đã lên khá cao rồi, thì bên dưới nó sẽ có sự xuất hiện của ba chòm sao thuộc bầu trời đêm mùa xuân, đó chính là chòm sao Ursa Major (Chú gấu lớn), Boötes (Thợ săn gấu) và Virgo (Trinh nữ).

Lúc nửa đêm bạn hãy nhìn về bầu trời hướng đông bắc. Đầu tiên là bạn hãy xác định nhóm sao Bắc Đẩu, nhóm nầy gồm bảy ngôi sao thuộc chòm sao Ursa Major, hình dạng của nó giống như cái gàu múc nước. Rồi hãy vẽ một đoạn tưởng tượng từ tay cầm của chiếc gàu này về hướng đông tới khi bạn gặp một ngôi sao sáng màu cam, đó là ngôi sao Arcturus của chòm sao Boötes, rồi tiếp tục đi về hướng đông và bạn sẽ gặp sao màu trắng xanh Spica của chòm sao Virgo. Đoạn đường tưởng tượng mà bạn vừa đi nó tạo thành một đường vòng cung rất thú vị.

Cụm sao M44 của con cua

Một trong những chòm sao thú vị của bầu trời mùa xuân là chòm sao Cancer (Con cua) với hình dạng đặc trưng nhưng ít sao sáng, chòm sao này sở hữu cụm sao M44 (NGC 2632, Praesepe, Beehive, Tổ ong). đây là một trong những cụm sao gần hệ Mặt Trời nhất. Ngôi sao sáng nhất cụm sao M44 là sao 42 Cancri với độ sáng biểu kiến của nó là từ +6 tới +6,5.

Cụm sao M44 cách chúng ta khoảng 577 năm ánh sáng. Nó chứa nhiều sao lớn hơn hầu hết tất cả những cụm sao ở gần chúng ta. M44 có ít nhất 1000 ngôi sao, có cả sao khổng lồ đỏ và sao lùn trắng, trong đó có chừng 40 ngôi sao đủ sáng để bạn có thể quan sát được qua kính thiên văn cỡ nhỏ. Galileo Galilei lần đầu tiên quan sát cụm sao này qua kính thiên văn của ông vào năm 1609 và ông thấy được tới 40 ngôi sao trong lần quan sát đó.

Người Hy Lạp và La Mã cổ đại thì liên tưởng cụm sao này như là một máng cỏ mà hai ngôi sao Asellus Borealis cùng với Asellus Australis ở gần đó như là hai con lừa ăn cỏ, hai con lừa này được thần Dionysos và Silenus sử dụng để chống lại những người khổng lồ Titan. M44 nằm gần ở trung tâm của chòm sao Cancer, tức là ở khoảng giữa hai ngôi sao Asellus Borealis và Asellus Australis. Chòm sao Cancer với những ngôi sao khá mờ nên nếu bạn không thể xác định ngay được thì hãy sử dụng cách dưới đây.

M44 có độ sáng biểu kiến là +3,7 nên bạn có thể quan sát nó bằng mắt thường tại nơi thật tối và thời tiết thật tốt, tốt hơn bạn hãy quan sát qua ống nhòm hay kính thiên văn. Bạn hãy nối một đoạn thẳng tưởng tượng từ ngôi sao Pollux của chòm sao Gemini (Hai anh em) tới ngôi sao Regulus của chòm sao Leo (Sư tử), cụm sao M44 sẽ nằm gần trung điểm của đoạn thẳng này. Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần nhận ra hành tinh Mộc và chòm sao Cancer ở gần đó, hướng ống kính vào khu vực nầy và tìm ra nó.

M44 sẽ mọc lên bầu trời cùng với chòm sao Cancer (vì nó thuộc chòm sao này) từ buổi tối ở chân trời hướng đông và lên cao vào nửa đêm rồi lặn ở chân trời hướng tây khi bình minh sắp sửa tới.

Chòm sao của mùa hè mọc lên trong mùa Tết

Một trong những chòm sao đặc trưng của bầu trời đêm mùa hè sẽ mọc lên giữa bầu trời mùa Tết nầy, đó là chòm sao Scorpius (Bò cạp) với ngôi sao sáng màu đỏ cam Antares nổi bật của mình cùng với hành tinh Thổ tỏa sáng bên cạnh đó. Hành tinh Thổ và nửa trên của con bò cạp sẽ mọc lên từ 2 giờ sáng và tới 3 giờ sáng thì con bò cạp xuất hiện toàn bộ thấp trên bầu trời hướng đông. Vậy bạn sẽ có 2 tiếng đồng hồ để quan sát nó.

Chòm sao nầy có dải Ngân Hà trải ngang qua, thành ra nó có rất nhiều thiên thể thú vị sâu trong lòng trời cho bạn khám phá. Mùa Tết nầy bạn hãy tìm ra cho mình cụm sao M4 nằm gần sao Antares nhé.

M4 hay NGC 6121 là một cụm sao cầu được phát hiện bởi Philippe Loys de Chéseaux vào năm 1746 và được Charlie Messier liệt kê vào cuốn danh mục nổi tiếng của ông vào năm 1764. Đây là một trong những cụm sao đầu tiên mà từng ngôi sao riêng lẻ trong cụm được phân giải, tức là các ngôi sao đó được tìm hiểu về các đặc tánh và được đặt tên cụ thể.

Sao sáng màu đỏ cam Antares nằm bên trái tấm hình trong khi cụm sao M4 thì nằm thấp hơn về bên phải so với ngôi sao Antares. M4 trải rộng 75 năm ánh sáng trong không gian với khoảng cách 7200 năm ánh sáng từ địa cầu nên làm cho nó có diện tích tương đương với bề mặt trăng rằm trên bầu trời đêm. Tác giả : Éder Iván chụp năm 2012.
Sao sáng màu đỏ cam Antares nằm bên trái tấm hình trong khi cụm sao M4 thì nằm thấp hơn về bên phải so với ngôi sao Antares. M4 trải rộng 75 năm ánh sáng trong không gian với khoảng cách 7200 năm ánh sáng từ địa cầu nên làm cho nó có diện tích tương đương với bề mặt trăng rằm trên bầu trời đêm. Tác giả : Éder Iván chụp năm 2012.

Cụm sao nầy rất dễ dàng nhận ra trên bầu trời đêm, vì nó chỉ cách sao sáng Antares khoảng 1,3 độ về hướng tây, Vậy bạn hãy hướng kính thiên văn lên khu vực nầy, bạn sẽ thấy được cả cụm sao và ngôi sao sáng trong một trường nhìn rộng.