Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Ngày này năm xưa: Galileo Galilei phát hiện ra bốn vệ tinh lớn của Sao Mộc

Ngày 7 tháng 1 năm 1610, Galilei đã viết một lá thư mà có đề cập tới các vệ tinh của Sao Mộc, đây là lần đầu tiên chúng được nhắc tới. Đây là kết quả của việc ông cải tiến kính thiên văn của mình, lần cải tiến này đã nâng khả năng phóng đại lên 20 lần và điều này giúp ông quan sát bầu trời rõ ràng hơn tất cả những lần quan sát trước đây. Những vệ tinh của Sao Mộc do ông phát hiện được gọi là Galilean moons, những mặt trăng Galile.

Sao Mộc và bốn vệ tinh lớn nhất của nó. Hình chỉ mang tính chất minh họa, vì kích thước và khoảng cách của chúng thì khác so với trong hình. Từ trái qua phải : Io (i ngắn o, không phải lờ o), Europa, Ganymede, Callisto. Hình ảnh: NASA.
Sao Mộc và bốn vệ tinh lớn nhất của nó.
Hình chỉ mang tính chất minh họa, vì kích thước và khoảng cách của chúng thì khác so với trong hình.
Từ trái qua phải : Io (i ngắn o, không phải lờ o), Europa, Ganymede, Callisto.
Hình ảnh: NASA.

Galilean moons là tên gọi tiếng Anh của nhóm bốn mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc, chúng cũng là những mặt trăng xa Sao Mộc nhất. Chúng gồm : Io (i ngắn o, không phải lờ o), Europa, Ganymede và Callisto. Ganymede là vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong Hệ Mặt Trời (Mặt Trăng của Trái Đất lớn thứ năm), nó thậm chí còn lớn hơn cả Sao Thủy.

Bạn chú ý rằng, từ "mặt trăng" hay "moon" (viết thường) là danh từ chung để chỉ các vệ tinh tự nhiên của các hành tinh, còn "Mặt Trăng" hay "The Moon" (viết in hoa) là danh từ riêng để chỉ vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.

Cả bốn mặt trăng này đều được Galilei khám phá ra từ năm 1609 tới năm 1610. Khám phá của Galilei cho thấy tầm quan trọng của việc quan sát qua kính thiên văn, khi quan sát bằng mắt thường không thấy được những thiên thể xa.

Và quan trọng hơn, khám phá này là bằng chứng không thể chối cãi cho giả thuyết các thiên thể đều quay quanh một cái gì đó chứ không phải quay quanh Trái Đất, vì trước đó cả Aristotle và Ptolemy cũng như đa số các nhà triết học Hy Lạp đồng thuận rằng Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao và những hành tinh có thể quan sát được bằng mắt thường đều quay quanh Trái Đất và đó là thuyết địa tâm hay mô hình địa tâm (geocentric model).

Mô hình địa tâm là quan điểm thống trị thời tiền hiện đại, nhưng từ cuối thế kỷ 16 trở về sau nó dần bị thay thế bởi sự ủng hộ hệ nhật tâm của Copernicus, Galileo và Kepler.

Bản thảo bức thư của ông Galilei gởi tới ông Leonardo Donato là tổng trấn của Venice vào tháng 8 năm 1609 và phần ghi chú bên dưới về các mặt trăng của hành tinh Mộc được viết vào tháng 1 năm 1610. Bản thảo này được lưu giữ lại bởi Tracy W. McGregor và nó là một thứ rất có giá trị đối với thư viện của Đại học Michigan.
Bản thảo bức thư của ông Galilei gởi tới ông Leonardo Donato là tổng trấn của Venice vào tháng 8 năm 1609 và phần ghi chú bên dưới về các mặt trăng của hành tinh Mộc được viết vào tháng 1 năm 1610. Bản thảo này được lưu giữ lại bởi Tracy W. McGregor và nó là một thứ rất có giá trị đối với thư viện của Đại học Michigan.

Vào thời điểm ông Galilei viết lá thư thì ông chỉ quan sát thấy ba mặt trăng thôi, sau đó ông quan sát tiếp từ ngày 8 tháng 1 tới ngày 2 tháng 3 năm 1610 để thấy mặt trăng thứ tư. Những quan sát này của ông đều cho thấy rằng chúng quay quanh một 'ngôi sao' không cố định, và ngày nay chúng ta biết được rằng ngôi sao không cố định đó chính là Sao Mộc – một hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Trước phát hiện của Galilei hai thiên niên kỷ, nhà thiên văn học người Trung Hoa tên Cam Đức (甘德 - Gan De) đã quan sát thấy một 'ngôi sao' nhỏ màu đỏ nhạt nằm gần Sao Mộc vào năm 362 TCN, và nó có thể là Ganymede.

Bạn có biết rằng, tên gọi của bốn mặt trăng đều là những cái tên của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, mà là tình nhân của thần Zeus (vì Sao Mộc trong tiếng Latin hay Hy Lạp đều là Zeus – chúa tể của các vị thần).

Io (hay Jupiter I) là vệ tinh lớn thứ 4 trong Hệ Mặt Trời, nó có bán kính trung bình là 1821,3 cây số, khối lượng 8,9319x10^22 kg. Io chuyển động cách Sao Mộc trung bình 421.700 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Io và bằng 1,769 ngày Trái Đất.

Europa (hoặc Jupiter II) là vệ tinh lớn thứ 6 trong Hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 1569,7 km, khối lượng 4,8x10^22 kg. Europa chuyển động cách Sao Mộc trung bình 670.900 cây số. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Europa là bằng 3,55 ngày Trái Đất.

Ganymede (hay Jupiter III) là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 2631,2 km (lớn hơn cả bán kính của Sao Thủy), khối lượng 1,4819x10^23 kg. Ganymede chuyển động cách Sao Mộc trung bình 1.070.400 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Ganymede và bằng 7,154 ngày Trái Đất.

Callisto (hoặc Jupiter IV) là vệ tinh lớn thứ 3 trong Hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 1882,7 cây số, khối lượng 1,075x10^23 kg. Callisto chuyển động cách Sao Mộc trung bình 1.882.700 km. Chu kỳ quay quanh hành tinh Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Callisto và bằng 16,69 ngày Trái Đất.

Quang Niên
Tham khảo Wikipedia English, NASA Solar System Exploration