Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Bầu trời trong tuần từ 7/12 tới 13/12/2014

Hãy cùng quan sát bầu trời tuần lễ thứ nhì của tháng 12 năm 2014 với những thiên thể sáng chói cùng những kỳ quan huyền ảo của bầu trời đêm bạn nhé. Tuần này bạn sẽ quan sát được đường đi của Mặt Trăng qua các chòm sao Orion, Gemini, Cancer và cuối cùng là giao hội với hành tinh Mộc, cùng với mưa sao băng Geminid nổi tiếng của năm.

Bầu trời trong tuần từ 7/12 tới 13/12/2014
Bầu trời trong tuần từ 7/12 tới 13/12/2014

Chủ nhật, 7/12/2014.
Mặt Trăng sẽ gần bàn tay phải của chàng thợ săn Orion, tức là phần cánh tay nối dài từ sao Betelgeuse màu đỏ tượng trưng cho vai phải của chàng. Mặt Trăng tối nay sẽ mọc lên bầu trời từ 18:30 ở bầu trời hướng đông trong khi một nửa chòm sao Orion đã mọc từ trước đó chút xíu, và cả hai sẽ lặn đi ở chân trời hướng tây khi ban ngày tới.

Minh họa bầu trời đêm hướng đông lúc 8 giờ tối ngày 7/12/2014.
Minh họa bầu trời đêm hướng đông lúc 8 giờ tối ngày 7/12/2014.

Mặt Trăng sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là -12,24 trong khi sao Betelgeuse màu đỏ ở bên phải gần đó có độ sáng biểu kiến là +0,45.

Thứ hai, 8/12/2014.
Mặt Trăng nằm trong chòm sao Gemini (Hai anh em), ở khu vực chòm sao này vào rạng sáng 14/12 tới, bạn sẽ quan sát được mưa sao băng Geminid, là một trong những cơn mưa sao băng đáng xem nhất trong năm. Tối nay, trăng trương huyền nhỏ dần sẽ nằm ở chân phải của người anh em Pollux, bên phải nó sẽ là ngôi sao Alhena có độ sáng biểu kiến là +1,90, tượng trưng như bàn chân phải của Pollux. Bên trái đó là hai ngôi sao sáng Castor và Pollux với độ sáng biểu kiến là +1,90 và +1,15, cả hai tượng trưng cho hai cái đầu của hai anh em sanh đôi.

Minh họa bầu trời đêm hướng đông lúc 9 giờ tối ngày 8 tháng 12 năm 2014.
Minh họa bầu trời đêm hướng đông lúc 9 giờ tối ngày 8 tháng 12 năm 2014.

Theo thần thoại Hy Lạp, hai anh em Castor và Pollux được sanh ra bởi người mẹ Leda và vị thần Zeus. Mặc dù hai anh em rất gắn bó thân thiết với nhau, tuy nhiên số phận đã chia cắt họ khi Castor bị chết, Pollux đã xin Zeus cho sự bất tử của mình với người anh em để cứu Castor, Zeus đồng ý và giữ họ thành một cặp rồi đưa lên trời thành chòm sao Gemini. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về chòm sao Gemini tại bài viết này.

Thứ ba, 9/12/2014.
Dậy sớm vào những ngày mùa đông thật là thích, không khí lạnh lạnh cùng với bầu trời đầy sao sẽ làm bạn tỉnh táo hơn cho một ngày mới sắp sửa bắt đầu. Bạn hãy dậy sớm vào sáng ngày mai, 10/12 để quan sát hành tinh Mộc tỏa sáng cùng với những thiên thể sáng lung linh của bầu trời đêm mùa đông.

Minh họa bầu trời đêm hướng tây lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 2014.
Minh họa bầu trời đêm hướng tây lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 2014.

Thẳng hàng với hành tinh Mộc về chân trời hướng tây, không ai khác đó chính là Mặt Trăng, hai thiên thể này có độ sáng biểu kiến lần lượt là -1,89 và -12,0 sẽ nằm gần các sao sáng Regulus của chòm sao Leo (Sư tử), Pollux và Castor của chòm sao Gemini (Hai anh em), Betelgeuse và Rigel của chòm sao Orion (Thợ săn) và gần đó về bên trái là sao sáng Sirius của chòm sao Canis Major (Chó lớn).

Thứ tư, 10/12/2014.
Tối nay con cua Cancer sẽ ôm Mặt Trăng trong đôi chân của mình, chòm sao này với 6 ngôi sao nằm rải đều qua hai bên rất đặc trưng, nhưng cả 6 ngôi sao đó đều có độ sáng biểu kiến dưới +3,0, cho nên nó khá là mờ. Bạn hãy quan sát bầu trời đêm nay từ sau 11 giờ khuya để có thể bắt gặp thêm hành tinh Mộc đang mọc lên từ bầu trời hướng đông.

Cự Giải ôm chặt Mặt Trăng trên bầu trời Đà Nẵng. Tác giả : Khan G Nguyen.
Cự Giải ôm chặt Mặt Trăng trên bầu trời Đà Nẵng. Tác giả : Khan G Nguyen.

Hình ảnh trên đây là hình Cự Giải ôm chặt Mặt Trăng trên bầu trời Đà Nẵng, được anh Khan G Nguyen chụp vào 9 giờ 10 phút tối ngày 16 tháng 5 năm 2013 trên cầu Thuận Phước, thành phố Đà Nẵng. Cảm ơn anh Khan G Nguyen đã chia sẻ với Ftvh. Bạn có thể tham gia thảo luận về tấm hình này trên trang Facebook.

Thứ năm, 11/12/2014.
Mặt Trăng và hành tinh Mộc sẽ ở vị trí giao hội vào 07:53 sáng ngày 12/12/2014, cả hai sẽ cách nhau 4°53' và đều nằm trong chòm sao Leo (Sư tử), Mặt Trăng sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là -12,2 trong khi hành tinh Mộc thì là -2,3. Thời điểm xảy ra giao hội là vào buổi sáng, cho nên bạn hãy quan sát nó khi trời còn tối, cả hai sẽ cùng nhau mọc lên bầu trời hướng đông từ nửa đêm và vẫn còn ở cao trên bầu trời khi ánh sáng ban ngày tới.

Mặt Trăng cùng quầng Mặt Trăng và hành tinh Mộc ở bên trái vào buổi tối ngày 27 tháng 11 năm 2012 ở miền bắc Na Uy. Tác giả : Sorge Solverg.
Mặt Trăng cùng quầng Mặt Trăng và hành tinh Mộc ở bên trái vào buổi tối ngày 27 tháng 11 năm 2012 ở miền bắc Na Uy. Tác giả : Sorge Solverg.

Bạn có thể quan sát cả hai thiên thể bằng mắt thường, nhưng hãy xem qua ống dòm hay kính thiên văn để có cái nhìn tốt hơn. Chú ý, hành tinh Mộc và Mặt Trăng sẽ nằm gần hơn so với hình chụp bên trên.

Thứ sáu, 12/12/2014.
Hành tinh Hỏa nằm gần cái đầu của con dê biển Capricornus trên bầu trời hướng tây nam chiều tối 12/12, nó sẽ có ánh sáng màu đỏ cam với độ sáng biểu kiến là +1,0 và cái đầu của con dê biển được tượng trưng bởi ngôi sao Dabih hay còn gọi là Beta Capricorni (β Capricorni) có độ sáng biểu kiến là +3,05. Cũng vào lúc này, hành tinh Hỏa sẽ ở vị trí xa nhất so với Mặt Trời của chúng ta với khoảng cách là 206,6 triệu cây số, điều này giải thích cho bạn tại sao khi quan sát qua kính thiên văn thì nó nhỏ, chỉ khoảng 5" và cho thấy ít chi tiết về nó.

Minh họa bầu trời đêm hướng tây lúc 7 giờ tối ngày 12 tháng 12 năm 2014.
Minh họa bầu trời đêm hướng tây lúc 7 giờ tối ngày 12 tháng 12 năm 2014.

Thứ bảy, 13/12/2014.
Bây giờ đã là cuối tuần rồi, bạn đã có kế hoạch gì cho mưa sao băng Geminid chưa ? Mời các bạn đón quan sát một trong ba cơn mưa sao băng được mong chờ nhất trong năm, là mưa sao băng Geminid, sẽ vào thời gian thuận lợi để quan sát từ tối ngày 13/12 tới trước khi bình minh ngày 14/12 tới đây. Năm nay bạn sẽ phải quan sát mưa sao băng cùng với trăng hạ huyền tháng 10 âm lịch mọc lên bầu trời từ sau nửa đêm 14/12. Nhiều vệt sao băng của trận mưa sao băng này thì sáng hơn bình thường, nếu bạn muốn có một bầu trời thật tối để quan sát mà không bị làm phiền bởi ánh sáng trăng thì hãy quan sát từ 9 giờ tối cho tới trước nửa đêm ở cao trên bầu trời hướng đông. Để quan sát được tối đa cơn mưa sao băng này, bạn hãy sắp xếp một chuyến đi nhỏ về những vùng ngoại ô hay vùng quê, nơi đó phải không có ánh sáng đèn đường, đèn xe, ... và thời tiết thì tốt như không có mưa hay mây che, như vậy bạn sẽ có thể quan sát vài chục sao băng mỗi tiếng đồng hồ.

Hình ảnh mưa sao băng Geminid năm 2012. Đây là hình phơi sáng lâu, với việc phơi sáng những vệt sao băng kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ trên bầu trời vùng đầm lầy Đại Sơn Bao (Dashanbao), Trung Quốc. Tác giả : Jeff Dai.
Hình ảnh mưa sao băng Geminid năm 2012. Đây là hình phơi sáng lâu, với việc phơi sáng những vệt sao băng kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ trên bầu trời vùng đầm lầy Đại Sơn Bao (Dashanbao), Trung Quốc. Tác giả : Jeff Dai. Xem hình trên Flickr của tác giả.

Mưa sao băng Geminid được coi là một trong những trận mưa sao băng quan sát tốt nhất ở bán cầu bắc với số vệt sao băng trung bình mỗi giờ là 50, những người ở bán cầu nam vẫn có thể quan sát được nó nhưng những vệt sao băng sẽ tỏa ra từ một điểm nằm thấp gần đường chân trời. Mời bạn xem thêm kỹ lưỡng tại bài viết này.