Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Quan sát nguyệt thực toàn phần vào chiều ngày 8/10/2014

Sắp sửa có xảy ra hiện tượng Nguyệt thực toàn phần vào ngày 8/10/2014, đây là lần nguyệt thực thứ nhì trong chuỗi bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp cách nhau 6 lần trăng tròn, lần nguyệt thực toàn phần trước đã xẩy ra vào ngày 15/4 và hai lần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 4/4 và 28/9/2015.

Nguyệt thực toàn phần vào ngày 15/4/2014 ở Mansfield, Victoria, nước Úc. Tác giả : Louise Ankers.
Nguyệt thực toàn phần vào ngày 15/4/2014 ở Mansfield, Victoria, nước Úc. Tác giả : Louise Ankers.

Bạn có thể quan sát nguyệt thực một cách dễ dàng bằng mắt thường, nó cũng giống như những khi bạn ngắm trăng rằm vậy. Bạn có thể mua cho mình một cái ống dòm để có thể quan sát được rõ ràng bề mặt của Mặt Trăng. Nhưng khi quan sát nhật thực thì bạn tuyệt đối không được quan sát bằng mắt thường, nó gây hại cho mắt bạn, bạn phải quan sát qua các thiết bị lọc hay màng lọc.

Nguyệt thực toàn phần là gì ? Đây là hiện tượng xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng, Mặt Trời và cùng thẳng hàng nhau trong không gian. Nếu như các lần trăng rằm khác, Mặt Trăng sẽ nhận được ánh sáng đầy đủ của Mặt Trời để tỏa sáng thì khi nguyệt thực xảy ra Trái Đất sẽ che lại ánh sáng đó và chỉ có ánh sáng đỏ, cam với bước sóng dài đi qua được và do đó Mặt Trăng sẽ có màu đỏ.

Ngoài ra còn có nguyệt thực một phần khi ba thiên thể kể trên nằm gần thẳng với nhau, Trái Đất chỉ che một phần ánh sáng từ Mặt Trời, vậy nên chỉ có một phần Mặt Trăng bị che tối. Và nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ mờ và Mặt Trăng sẽ mờ và tối đi.

Bản đồ thế giới lúc xảy ra nguyệt thực ngày 8/10/2014. Bạn có thể thấy được Việt Nam nằm trong vùng quan sát được nguyệt thực lúc Mặt Trăng mọc.
Bản đồ thế giới lúc xảy ra nguyệt thực ngày 8/10/2014. Bạn có thể thấy được Việt Nam nằm trong vùng quan sát được nguyệt thực lúc Mặt Trăng mọc.


Lần nguyệt thực toàn phần này sẽ khó quan sát được ở Việt Nam. Mặt Trăng sẽ bị che khuất từ 15:15 trưa ngày 8/10. Lúc 16:15 Mặt Trăng sẽ đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, nếu bạn đứng trên Mặt Trăng và nhìn thẳng về Trái Đất vào lúc này, bạn sẽ thấy Trái Đất che Mặt Trời lại và nơi bạn đang đứng cũng sẽ bị tối lại.

Khi Mặt Trăng từ từ tiến vào vùng bóng tối của Trái Đất thì bạn khi quan sát từ Trái Đất cũng thấy Mặt Trăng từ từ bị chuyển màu, như là một vết cắn từ từ rộng ra vậy. Phần đổi màu đó chính là bóng của Trái Đất che lại.

Cuối cùng, Mặt Trăng sẽ vào hoàn toàn vùng tối của Trái Đất lúc 17:26 và nguyệt thực toàn phần bắt đầu. Ở thành phố Mỹ Tho thì Mặt Trăng sẽ mọc vào lúc 17:46, trong khi ở thành phố Đà Nẵng thì Mặt Trăng sẽ mọc vào lúc 17:35, mà nguyệt thực đã bắt đầu từ 17:26, vậy bạn sẽ phải quan sát nguyệt thực từ lúc Mặt Trăng còn ở rất thấp đường chân trời.


Video mô phỏng quá trình diễn ra nguyệt thực toàn phần vào ngày 8/10 sắp tới bởi Hoàng Quốc Phương - Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội. Coi trên YouTube.

Dưới đây là bảng thời gian các mốc thời điểm sẽ diễn ra trong sự kiện :
Thời gian (giờ Việt Nam)
Mặt Trăng tiến vào vùng nửa tối 15:15
Mặt Trăng tiến vào vùng bóng tối. Nguyệt thực một phần bắt đầu 16:15
Mặt Trăng vào hoàn toàn vùng bóng tối. Nguyệt thực toàn phần bắt đầu 17:25
Giữa nguyệt thực 17:55
Mặt Trăng rời vùng bóng tối. Nguyệt thực toàn phần kết thúc 18:24
Mặt Trăng rời hoàn toàn vùng bóng tối. Nguyệt thực một phần kết thúc 19:34
Mặt Trăng rời vùng nửa tối 20:34

Anh Tuấn Nguyễn theo dữ liệu của NASA