Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Nhà vật lý lý thuyết Michio Kaku

Michio Kaku (ミチオ・カク hay 加来 道雄) là một nhà vật lý lý thuyết sanh ngày 24/1/1947 tại San Jose, California, Hoa Kỳ và là một trong những bộ óc vĩ đại nhứt trong lịch sử gần đây. Ông có một câu chuyện rất tuyệt vời về cách ông đã thay đổi thế giới vật lý và thực hiện một cuộc cách mạng giáo dục khoa học. Có vẻ như câu chuyện của ông Kaku là một chuỗi các sự kiện diễn ra vào đúng thời điểm, nhưng không phải vì may mắn mà ông có thể trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học, mà là ông đã làm việc rất chăm chỉ và kiên trì.

Ông Michio Kaku vào năm 2012. Tác giả hình ảnh : Cristiano Sant´Anna/indicefoto.com.
Ông Michio Kaku vào năm 2012. Tác giả hình ảnh : Cristiano Sant´Anna/indicefoto.com. Coi hình trên Flickr.

Ngay khi còn là một đứa con nít, ông Michio đã có niềm đam mê với khoa học và mặc dù ông lớn lên trong nghèo khó nhưng gia đình đã hỗ trợ cho ông bằng cách đưa ông tới thư viện của một trường đại học và cho phép ông làm các thí nghiệm ngay trong nhà. Vào lúc Kaku học trung học, ông đã phát triển mạnh mẽ niềm đam mê của mình với bộ môn Vật lý. Trong một hội chợ khoa học ở trường trung học, ông Michio đã làm một máy gia tốc hạt 2,3 eV trong gara xe. Sử dụng kim liệu phế liệu và 35 cây số dây dẫn, ông đã tạo ra một từ trường mạnh hơn từ trường của Trái Đất tới hai chục ngàn lần và đủ để tạo ra phản vật chất.

Nhưng sự tỏa sáng nầy của Kaku sẽ không đi xa nếu như không có sự biết tới của mọi người. Ông Edward Teller là một nhà vật lý nguyên tử, đã nhìn thấy tiềm năng trong ông Kaku sau khi quan sát sản phẩm của ông tại hội chợ khoa học. Sự chú ý tới từ Teller và cộng đồng khoa học đã giúp ông Kaku có được một chỗ ở Đại học Harvard. Năm 1968, ông Michio đậu tốt nghiệp rồi tiếp tục là làm tiến sĩ tại Đại học Berkeley ở California, rồi ông nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1972, ông cũng nhận lời làm giảng viên cùng năm đó ở Đại học Princeton.

Dĩ nhiên, cuộc sống của ông không hoàn toàn chỉ là khoa học. Michio đã hoàn thành khóa huấn luyện căn bản ở quân đội trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, nhưng cuộc chiến đã kết thúc trước khi tới lượt ông phải ra chiến trường. Thiệt là hên cho cộng đồng khoa học chúng ta vì ông đã chọn khoa học thay vì quân sự.

Một gia tốc betatron 6 MeV (tương tự như sản phẩm của Kaku ở trường trung học).
Một gia tốc betatron 6 MeV (tương tự như sản phẩm của Kaku ở trường trung học).

Michio Kaku đã góp phần ảnh hưởng sâu sắc tới vật lý hiện đại, ông là người đồng phát hiện ra Lý thuyết dây (String Field Theory) mà mục đích là hoàn thành công việc mà Einstein đã bắt đầu trước đó và nỗ lực để gắn kết các yếu tố trong tự nhiên (đặc biệt, nó còn cố gắng kết nối lực hấp dẫn và ba lực căn bản khác trong tự nhiên). Kaku cũng đã viết một số sách giáo khoa trình độ tiến sĩ và đã có hơn 70 bài báo xuất bản trên các tạp chí vật lý, ông cũng đã viết nhiều sách với mục đích là giải thích vật lý cho công chúng (bạn có thể coi danh sách các tác phẩm của ông ở trang nầy). Ngoài ra ông còn giữ chức Chủ tịch Henry Semat và Giáo sư tại Đại học Thành phố Nữu Ước của Hoa Kỳ.

Ngoài giáo dục đại học, Kaku cũng có tác động sâu sắc về khoa học trong các phương tiện truyền thông. Ông Michio đã xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình, phim tài liệu và thậm chí là các chương trình phát thanh hằng tuần. Một trong những chương trình phát thanh của Kaku là Science Fantastic đã được phát trên hơn 90 đài phát thanh thương mại ở Hoa Kỳ.

Michio Kaku được cho là một trong những bộ óc vĩ đại nhứt ở đương thời, công việc của ông ta về Lý thuyết dây có thể đưa chúng ta tới gần hơn để hiểu vũ trụ bắt đầu như thế nào và sẽ kết thúc như thế nào ? Tuy nhiên, quan trọng hơn là Kaku đã đưa ra nhiều sáng kiến để giới thiệu khoa học cho công chúng. Giống như nhà khoa học nổi tiếng Carl Sagan, Kaku cũng giải thích những điều khoa học khó hiểu một cách dễ dàng và chúng ta sẽ có một cái nhìn đúng đắn và rõ ràng hơn về vũ trụ xung quanh.

Anh Tuấn Nguyễn dịch từ From Quarks to Quasars