Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Thành phố New York sẽ trông như thế nào nếu ở dưới bầu trời của những hành tinh khác ?

Nickolay Lamm từ StorageFront.com và tiến sĩ Browning Vogel ra mắt album hình đồ họa Thành phố New York sẽ trông như thế nào nếu ở dưới bầu trời của những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời ?

Thành phố New York ở Trái Đất. Tác giả : Nickolay Lamm

Tiến sĩ Vogel, một nhà cựu sinh vật vũ trụ học của NASA và hiện đang là giảng viên khoa học tại trường đại học cho biết thêm : Những hình ảnh này tạo nên từ phần mềm Photoshop và mất khoảng 2 đến 3 tiếng cho mỗi tấm ảnh. Tiến sĩ đã làm việc với tác giả bộ ảnh nhằm cho bộ ảnh minh họa một cách chính xác nhất. Ý tưởng xuất phát từ khi Vogel nhìn thấy hình ảnh ngọn núi Sharp trên Sao Hỏa, ông muốn cho mọi người xem sẽ như thế nào nếu đặt thành phố New York trên những hành tinh khác và mọi người cảm thấy thật may mắn khi được sống trên Trái Đất này. Nếu bạn ra bên ngoài bạn sẽ thấy bầu trời, không khí, nước, đất đai và cây cỏ, chúng kết hợp hoàn hảo để tạo ra thứ mà chúng ta gọi là cuộc sống.

Nếu thành phố New York ở Sao Thủy ...

Sao Thủy có một lớp khí mỏng không đủ để tạo thành một bầu khí quyển. Bầu khí mỏng manh chủ yếu từ khí hidro nên chúng ta có thể thấy được bên ngoài không gian và Mặt Trời rực rỡ trên đó. Cảnh quan bên dưới là các miệng núi lửa và hố va chạm, tương tự như Mặt Trăng của Trái Đất.

Nếu thành phố New York ở Sao Kim ...

Do núi lửa hoạt động thường xuyên, Sao Kim được phủ trong bầu khí quyển đầy khí CO2 với những đám mây axit sunfuric. Điều này làm cho phông màu chủ đạo của hành tinh này là màu vàng nóng, bầu không khí đầy lưu huỳnh đã che khuất những tòa nhà cao tầng của New York và che mờ luôn Mặt Trời ở đó. Cảnh quan nơi đây chắc chắn là không có nước và mặt đất thì đầy những miệng núi lửa, dung nham, bụi lưu huỳnh.

Nếu thành phố New York ở Sao Hỏa ...

Sao Hỏa có một bầu khí quyển mỏng và lạnh, chủ yếu là khí CO2. Bầu khí quyển Sao Hỏa có những phản ứng oxy hóa rất mạnh, có thể làm những vật liệu bằng sắt trở nên gỉ, và dĩ nhiên màu sắc nơi đây sẽ là màu đỏ hung. Những dòng đối lưu mạnh mẽ trong không khí có thể gây ra những cơn bão bụi lớn xảy ra thường xuyên, làm che khuất một phần rộng lớn của hành tinh.

Nếu thành phố New York ở Sao Mộc ...

Sao Mộc là hành tinh khí khổng lồ to lớn nhất trong hệ Mặt Trời của chúng ta. Bầu khí quyển của nó rất lớn và dầy đặc, thành phần chủ yếu là khí hidro và heli, chúng ngưng tụ thành chất lỏng ở đáy khí quyển. Khí quyển bên ngoài của nó dầy đến 100 km từ lớp đáy, áp suất không khí nơi đây tương tự như ở Trái Đất, nhưng có một chất hóa học làm cho kim loại bớt bóng đi, đại diện ở đây là tượng Nữ thần Tự do. Những tòa nhà đằng xa được mô phỏng là trôi nổi trên bề mặt khí quyển dầy 100 km này. Cảnh quan nơi đây chủ yếu là khí hidro, amoniac và lưu huỳnh ở dạng khí. Trên cao là những đám mây hydrocarbon màu vàng.

Nếu thành phố New York ở Sao Thổ ...

Bầu không khí ở Sao Thổ tương tự như ở Sao Mộc, cũng có khí hidro và heli hóa lỏng ở đáy khí quyển. New York đang nằm trên cao ở độ cao 100 km, nơi có nhiều khí hidro và áp suất khí quyển tương tự như ở Trái Đất, có những đám mây băng amoniac và những cơn bão xảy ra thường xuyên.

Nếu thành phố New York ở Sao Thiên Vương ...

Sao Thiên Vương là một hành tinh khí khổng lồ và lạnh, nó tự quay quanh trục một cách gần như vuông góc với quỹ đạo của nó. Tốc độ gió rất mạnh nhưng không đều ở các vĩ độ khác nhau do mức độ nhiệt khác nhau. Những cơn gió ở đây thổi nhanh hơn cả những cơn bão mạnh nhất trên Trái Đất nên sẽ tiêu diệt những tòa nhà cao tầng và tượng Nữ thần Tự do. Bầu khí quyển đầy hidro và heli, thỉnh thoảng có những đám mây metan và hydrocarbon.

Nếu thành phố New York ở Sao Hải Vương ...

Sao Hải Vương là hành tinh ngoài cùng của hệ Mặt Trời, do đó nó có màu tối nhất. Cũng như ở Sao Thiên Vương, gió của nó rất mạnh nên phá hủy nhiều kiến trúc ở New York. Bầu khí quyển của nó chủ yếu là hidro và heli, thỉnh thoảng có amoniac và nước nên nó có màu xanh. Sao Hải Vương là nơi có bầu khí quyển lạnh nhất hệ Mặt Trời.

Anh Tuấn Nguyễn theo EarthSky.org