Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Bầu trời đêm cho những đêm nghỉ lễ

Chúng ta đang bước vào những ngày lễ lớn của quốc gia, nếu bạn không đi du lịch xa hay đi du lịch ở những nơi có bầu trời đêm tuyệt vời thì hãy thêm vào ghi chú của mình những thiên thể và sự kiện quan sát đáng chú ý dưới đây nhé. Những ngày này chúng ta có gì nhỉ ? Sao Thổ đang trong thời gian quan sát tốt nhất, cùng xem sao chỉ phương nam và con tàu biển Carina khổng lồ, rồi sau đó là cụm sao cầu xinh đẹp Omega Centauri và chốt lại bằng mưa sao băng Eta Aquarids. Cùng xem nào.

Nhiếp ảnh gia của TWAN : Wally Pacholka đang quan sát và chụp hình dải Ngân Hà cùng chòm sao Scorpius và Sagittarius trên bầu trời Utah, miền tây Hoa Kỳ. Credit : Tunc Tezel.




Sao Thổ ở vị trí đối lập lớn nhất


Ngày 28/4 tới đây, Sao Thổ sẽ ở vị trí đối lập lớn nhất so với Trái Đất, đây là lúc quan sát và chụp hình Sao Thổ tốt nhất. Sao Thổ sẽ mọc lên ở chân trời hướng đông sau khi Mặt Trời lặn và sẽ lặn ở hướng tây khi bình minh đến, như vậy có nghĩa là Sao Thổ sẽ ở trên bầu trời suốt đêm. Khi Sao Thổ ở vị trí đối lập, hành tinh khí này sẽ ở khoảng cách gần với Trái Đất nhất trong năm nay, và kết quả là nó sẽ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời của chúng ta trong năm 2013 này. Như vậy là bầu trời mùa hè năm nay sẽ có sự hiện diện của Sao Thổ.

Vị trí đối lập là như thế nào ? Khi bạn đứng một nơi đủ xa để quan sát toàn cảnh Mặt Trời - Trái Đất - Sao Thổ, bạn sẽ thấy Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Sao Thổ, và chúng xếp thẳng hàng với nhau.

Nhưng không lâu sau, Trái Đất di chuyển với vận tốc 18 dặm mỗi giây và Sao Thổ di chuyển với vận tốc 6 dặm mỗi giây, sẽ làm cho chúng lệch khỏi vị trí hoàn hảo này và Trái Đất sẽ dẫn đầu trong cuộc chạy đua.

Các hành tinh bên trong như Sao Thủy và Sao Kim sẽ không bao giờ xảy ra các pha đối lập như thế này, vì quỹ đạo của chúng nằm bên trong so với quỹ đạo của chúng ta. Những hành tinh bên ngoài quỹ đạo Trái Đất như Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương mới có thể đạt vị trí đối lập, đó là khi chúng đối diện với chúng ta và với Mặt Trời.

Sao Thổ là hành tinh xa nhất mà chúng ta có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường trên bầu trời. Chiếc vành đai đặc biệt của nó được phát hiện lần đầu tiên vào thế kỉ 17, những con tàu vũ trụ vào thế kỉ 20 đã cho rằng vành đai này gồm 3 vành đai nhỏ hơn, nhưng thực tế nó đến hàng ngàn vành đai nhỏ và đầy bụi và băng. Sao Thổ có 62 vệ tinh tự nhiên với quỹ đạo chính xác được xác nhận, nhưng chỉ có 53 trong số chúng là được đặt tên, và 13 còn lại có đường kính lớn hơn 50 km. Sao Thổ thực sự là một thiên thể nổi bật trên bầu trời với vành đai đặc biệt và rất nhiều những vệ tinh, sẽ là thiên thể rất thú vị khi bạn quan sát qua kính thiên văn.

Nhận ra Sao Thổ trên bầu trời đêm như thế nào ? Thật không khó để tìm ra nó trên bầu trời đêm. Hành tinh khí này sẽ xuất hiện ở hướng đông sau khi hoàng hôn, gần ngôi sao xanh-trắng Spica của chòm sao Virgo (Xử Nữ). Để nhận ra sao Spica, bạn hãy đi một chuyến từ nhóm sao Bắc Đẩu, nối thẳng đến ngôi sao Arcturus của chòm Bootes (Mục Phu) rồi đi thẳng lên sao Spica.



Sao Thổ vào lúc 19 giờ ngày 28/4 sẽ nằm cách chân trời khoảng 15 độ và nằm bên dưới sao Spica cũng 15 độ, để dễ hình dung, một nắm tay của bạn là 10 độ trên bầu trời.

Tóm lại : Ngày 28/4 tới sau khi hoàng hôn (khoảng 7h tối), bạn hãy ra ngoài trời và nhìn về hướng đông để quan sát Sao Thổ, đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp hình hành tinh khí này, vì nó đang đạt vị trí đối lập lớn nhất đối với Trái Đất. Sao Thổ sẽ xuất hiện trên bầu trời cả đêm, nên đừng lo bỏ mất nó.

Hãy sử dụng sao Spica để tìm ra cụm sao cầu Omega Centauri 


Cụm sao cầu Omega Centauri. Credit : ESO
Omega Centauri hay NGC 5139 là một cụm sao cầu trong chòm sao Centaurus (Nhân Mã), do Edmond Halley khám phá vào năm 1677 và ông gọi nó là một tinh vân. Omega Centauri có trong danh lục của Ptolemy 2000 năm trước với tên gọi là một ngôi sao. Lacaille đưa nó vào danh lục của ông với số hiệu I.5. Nhà thiên văn người Anh John Herschel là người đầu tiên nhận ra nó là một cụm sao cầu vào thập niên 1830.

Omega Centauri quay quanh Ngân Hà, và là cụm sao cầu sáng nhất và lớn nhất từng được biết đến trong dải Ngân Hà của chúng ta. Omega Centauri nằm cách Trái Đất khoảng 15800 năm ánh sáng, nó chứa khoảng vài triệu ngôi sao loại II. Các ngôi sao ở trung tâm của nó tập trung rất lớn với ước lượng chúng cách nhau trung bình khoảng 0,1 năm ánh sáng. Tuổi của Omega Centauri là khoảng 12 tỷ năm. Omega Centauri là một trong số ít các cụm sao cầu có thể nhìn được bằng mắt thường và xuất hiện bằng độ lớn của trăng tròn.


Để tìm ra cụm sao cầu này, đầu tiên là bạn hãy tìm ra ngôi sao trắng-xanh Spica của chòm sao Virgo trước, để xem cách tìm ra ngôi sao này, bạn xem lại ở phần trên mình đã có hướng dẫn rồi đó. Cụm sao này nằm bên dưới sao Spica khoảng 40 độ trời. Để cho dễ, một nắm tay của bạn và giơ thẳng ra là 10 độ trời.

Bạn có thể quan sát nó bằng mắt thường ở những nơi thật tối và thời tiết thật tốt, để có cái nhìn cụ thể về nó, bạn hãy quan sát qua kính thiên văn.

Thập tự phương nam và con tàu biển Carina


Bầu trời hướng đông thế là đủ rồi, bây giờ bạn hãy hướng mắt về bầu trời phương nam, để thấy chòm sao Thập tự phương nam (Crux) nổi tiếng. Đây là chòm sao có diện tích nhỏ nhất nhưng là một trong những chòm sao nổi tiếng nhất trên bầu trời.

Ở hướng đông, có nhóm sao Bắc Đẩu là sao chỉ bắc vì nó chỉ về sao Bắc Cực (Polaris), còn ở đây, Thập tự phương nam còn được gọi là sao chỉ nam, vì khi kéo dài cây thập tự này xuống đường chân trời, nó sẽ chỉ cho bạn khá chính xác hướng nam.



Để nhận ra chòm sao này thật sự không khó, chỉ cần nhìn về bầu trời hướng nam là bạn sẽ thấy ngay 4 ngôi sao sáng nối lại với nhau thành hình cây thập tự. Nhưng gần đó có một thập tự giả, bạn sẽ nhầm lẫn Thập tự phương nam với thập tự giả này, nó được tạo lên từ 4 ngôi sao của 2 chòm sao Vela và Carina (cánh buồm và thuyền buồm).



Tinh vân Carina (NGC 3372) là một tinh vân lớn và sáng bao quanh nhiều cụm sao mở, tinh vân cách chúng ta khoảng 6500 năm ánh sáng và chứa nhiều sao loại O. Tinh vân này là một trong những tinh vân khuếch tán lớn nhất trên bầu trời, mặc dù nó lớn gấp 4 lần và thậm chí còn sáng hơn cả tinh vân Orion, nhưng nó được ít người biết đến do nó thuận lợi hơn cho việc quan sát ở nam bán cầu. Tinh vân được phát hiện lần đầu vào năm 1751 bởi Nicolas Louis de Lacaille từ mũi Hảo Vọng.



Đó là ở đuôi con tàu, bây giờ hãy ra trước mũi tàu nào. Mũi con tàu biển to lớn là ngôi sao Canopus, ngôi sao sáng thứ hai trên bầu trời - sau ngôi sao Sirius. Sao Canopus là một sao siêu khổng lồ loại F có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường, ngôi sao này xuất hiện rất thấp ở đường chân trời bắc bán cầu vì nó là ngôi sao ở nam bán cầu.

Tóm lại : Bạn hãy nhìn về bầu trời hướng nam (khoảng 10h tối) để quan sát Thập tự phương nam là 4 ngôi sao sáng chỉ thẳng xuống hướng nam. Rồi sau đó hướng mắt qua phải một tí, để chiêm ngưỡng con tàu biển khổng lồ, đang cất giữ tinh vân Carina - tinh vân sáng gấp 4 lần tinh vân Orion và ngôi sao Canopus - ngôi sao sáng thứ hai trên bầu trời đêm.

Mưa sao băng Eta Aquarids


Dành cho ngày nghỉ cuối cùng nào. Mặc dù cực đỉnh của Mưa sao băng Eta Aquarids là vào rạng sáng ngày 6/5, nhưng trong những đêm này chúng ta vẫn có thể quan sát được nó. Hãy nhìn về hướng đông, khu vực chòm sao Aquarius (Bảo Bình) để xem khoảng 20 đến 40 sao băng vụt qua bầu trời trong 1 tiếng đồng hồ trước bình minh nhé. Mưa sao băng Eta Aquarids xuất phát từ thiên thể gốc là sao chổi Halley.



Chòm sao Aquarius dần mọc lên ở hướng đông từ 2 giờ sáng, nhưng khoảng 4 giờ bạn hãy quan sát nhé, vì lúc này nó đã mọc lên đủ cao để bạn quan sát. Khi quan sát ở những nơi thật tối và thời tiết thật tốt thì bạn có thể quan sát được đến 40 sao băng 1 giờ, ở nam bán cầu thì còn hơn thế nữa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát dải Ngân Hà thật rõ ràng trong những ngày này nữa, nó sẽ mọc dần lên ở bầu trời hướng nam sau khi Mặt Trời lặn, và sẽ nằm vắt ngang đường chân trời vào khoảng 9h đến 10h tối, rồi sẽ ở đó cho đến sáng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết, chúc bạn có những ngày nghỉ lễ vui vẻ bên bạn bè, gia đình và người thân, cũng chúc bạn có địa điểm quan sát thật lý tưởng và những đêm đầy sao trời trong vắt. Nhưng mà theo dự báo thời tiết thì những ngày tiếp theo đây sẽ có mây mưa khắp toàn quốc.

Anh Tuấn Nguyễn tham khảo từ EarthSky.org, Wikipeida