Header Ads

Tìm hiểu về ngôi sao Giáng Sinh - sự thật hay truyền thuyết ?

Ngôi sao Bethlehem hay ngôi sao Giáng Sinh được đề cập đến trong Kinh Thánh, như là dấu hiệu dẫn đường ba nhà tiên tri để đến Bethlehem - nơi Chúa Jesus ra đời. Ngôi sao này đã trở thành biểu tượng chính của lễ Giáng Sinh trên toàn thế giới, vậy nó có thật hay chỉ là truyền thuyết từ Kinh Thánh ?




Vào một đêm đông giá lạnh, Đức mẹ đồng trinh Maria đã sinh ra chúa Jesus ở Bethlehem xứ Judea và đặt nằm trong một máng cỏ khi thánh Giuse và Đức mẹ Maria đang cùng đoàn người du hành đến Bethlehem. Các thiên sứ loan tin rằng người này sẽ là Đấng cứu thế, và các mục đồng đến chiêm bái ngài, các nhà chiêm tinh đã lần theo hướng một ngôi sao sáng để đến Bethlehem và dâng tặng những phẩm vật lên Chúa hài đồng, vì người sinh ra để làm vua của người Do Thái. - trích lược theo Kinh Thánh Phúc âm của Thánh Matthew.

Nếu như theo lời Matthew thì sẽ không có ngôi sao Bethlehem nào như vậy cả, vì không có ngôi sao nào di chuyển như thế. Trong trường hợp nầy thì ta nên xét thiên thể sáng đó như là một hiện tượng thiên văn khác, thí dụ những sao băng cháy lớn và sáng trong cơn mưa sao băng, tuy nhiên nó chỉ kéo dài vài giây mà thôi.

Hãy cùng xem xét các hiện tượng thiên văn khác đặc biệt hơn nhé. Nhưng trước hết, chúng ta không biết chắc chắn khoảng thời gian Chúa Jesus sinh ra do những bản sao chép không rõ ràng, và thời điểm Chúa ra đời được cho là sau 4 năm so với thời điểm Công nguyên hoặc sớm hơn một chút. Và chắc chắn đó không phải là ngày 25/12, Kinh Thánh không nói rõ ngày nào nhưng để lại cho chúng ta vài manh mối.

Manh mối đầu tiên là "có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên" (Luke 2:8), điều này chỉ thực hiện được vào mùa xuân khi cừu non được sinh ra. Do đó khả năng Chúa sinh ra vào mùa xuân, từ năm 7 đến năm 4 TCN.

Một vài tài liệu thiên văn đã được ghi chép và lưu trữ tại thời điểm đó, ngoại trừ Trung Quốc và Hàn Quốc, họ ghi nhận những đặc điểm mà họ cho là sao chổi vào năm 5 và nó quay trở lại vào năm 4 TCN. Vấn đề là sao chổi được xem như một điềm xấu, nên những nhà tiên tri thông thái sẽ không dại gì mà đi theo điềm báo xấu đó.

Một khả năng nữa ngôi sao Giáng Sinh có thể là một tân tinh hay siêu tân tinh. Tài liệu của người Trung Quốc cổ đại có ghi chép đã quan sát được một ngôi sao rất sáng vào mùa xuân năm 5 TCN và được nhìn thấy trong suốt 2 tháng. Tuy nhiên, vị trí của nó nằm trong chòm sao Capricornus (Ma Kết) nên nó không thể là vật dẫn đường cho ba nhà thông thái kia rồi.

Đối với nhiều ngôi sao trên bầu trời, vị trí của nó lúc trước đã thay đổi nhiều so với vị trí hiện nay của nó. Nhưng các hành tinh - Sao Mộc chẳng hạn, hay chính xác hơn là sự giao hội thật gần nhau trên bầu trời của Sao Mộc với hai hành tinh khác, như Sao Thổ và Sao Hỏa, đã trở thành ngôi sao lang thang trong Kinh Thánh. Các nhà thiên văn biết rằng sự giao hội hiếm hoi như vậy đã từng diễn ra vào năm 6 và 5 TCN ở chòm sao Pisces (Song Ngư). Một số nhà chiêm tinh cho rằng đây là "dấu hiệu của người Do Thái", nhưng để tăng thêm niềm tin cho những người ghi chép đạo Công giáo như Matthew thì dấu hiệu này đã trở thành dấu hiệu bí mật của người Công giáo.

Trừ khi khai quật được những khảo cổ lớn và tìm ra những bằng chứng không thể chối cãi được cho tất cả các câu hỏi, thì những bí ẩn về ngôi sao Giáng Sinh sẽ mãi nằm trong vương quốc của đức tin. Khoa học không thể giải thích được dù đó là những hiện tượng vật lý nổi tiếng hay sự kiện lịch sử đình đám mà không có bằng chứng rõ ràng.

Dù sao thì Ftvh xin được chúc bạn có một mùa Giáng sinh thật an lành, ấm áp, hạnh phúc và vui vẻ bên gia đình, người thân cùng với bạn bè của mình. "Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Luke 2:14).

Anh Tuấn Nguyễn theo EarthSky