Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Bầu trời trong tuần từ 18/9 đến 24/9/2017

Chào mừng bạn đến với chuyên mục Bầu trời trong tuần của Ftvh. Đây là mục hướng dẫn các bạn quan sát những sự kiện thiên văn và thiên thể quan sát thú vị trong tuần. Mỗi buổi tối trong tuần sẽ là một niềm vui quan sát bầu trời.

Trong tuần lễ thứ 38 của năm, và là tuần thứ ba của tháng 9 năm 2017, các bạn hãy cùng Ftvh quan sát sự giao hội gần gũi của Sao Kim và sao Regulus, tinh vân Omega trong vùng trời đầy ắp sao, trăng non đầu tháng với phần lưỡi liềm mỏng dính, và các mặt trăng của Sao Thổ. Mời các bạn chú ý đón quan sát.

Bầu trời trong tuần từ 18/9 đến 24/9/2017. Đồ họa: MeganeRid/Deviantart.
Bầu trời trong tuần từ 18/9 đến 24/9/2017. Đồ họa: MeganeRid/Deviantart.

Thứ hai, 18/9/2017

Mùa thu đã đến, hãy cùng quan sát một trong những nhóm sao nổi bật nhất của mùa thu – nhóm sao Hình vuông lớn của Ngựa bay (the Great Square of Pegasus), đây là một hình tứ giác nằm ở phần bụng của chú phi mã Pegasus, đã bắt đầu xuất hiện ở bầu trời hướng đông bắc từ khi màn đêm vừa buông xuống.

Một đỉnh của hình vuông này là sao Alpheratz, là ngôi sao chung nối kết giữa chòm sao Andromeda và chòm sao Pegasus. Nên bạn sẽ tìm ra được chòm sao công chúa Andromeda cùng thiên hà Andromeda nổi tiếng ở chòm sao này.

Thứ ba, 19/9/2017

Hãy ngủ một giấc thật ngon và thức dậy vào sáng sớm 20/9 để chiêm ngưỡng sự giao hội rất thú vị của Sao Kim và sao Regulus của chòm sao Leo (Sư tử).

Xuất hiện ở bầu trời hướng đông từ sau 5 giờ sáng, bạn hãy nhanh chóng tìm ra cho mình hai chấm sáng nằm thật gần nhau ở đây – một chấm sáng không nhấp nháy màu vàng trắng là Sao Kim, chấm sáng ít sáng hơn và có nhấp nháy ánh xam lam chính là sao Regulus.

Sao Kim giao hội rất gần cùng sao Regulus của chòm sao Leo.
Sao Kim giao hội rất gần cùng sao Regulus của chòm sao Leo.

Cũng trong buổi sáng này, bạn sẽ quan sát được luôn Sao Hỏa và Sao Thủy nằm thấp bên dưới. Việc quan sát hai hành tinh này khá khó khăn, bởi chúng không nằm cao quá 10 độ so với chân trời, cũng như Mặt Trời sẽ xuất hiện vào 5 giờ 43 phút sáng – tức bạn chỉ có chưa đầy một tiếng để quan sát. [xem bài viết]

Thứ tư, 20/9/2017

Hôm nay, Mặt Trăng đạt pha trăng mới tháng Tám âm lịch, nghĩa là cả đêm nay Mặt Trăng sẽ không xuất hiện và để lại cho bạn cả bầu trời tối. Nếu được thời tiết ủng hộ, thì bạn đã là người hạnh phúc nhất rồi, bởi có thể quan sát được cả bầu trời đêm đầy sao sáng.

Thứ năm, 21/9/2017

Thỉnh thoảng cũng nên ngủ sớm. Tối nay bạn hãy quan sát Messier 17 (Tinh vân Omega hay Tinh vân Thiên nga) trong chòm sao Sagittarius (Người bắn cung). Nằm trong khu vực đầy ắp thiên thể của phần trung tâm dải Ngân Hà, hãy quét ống kính thiên văn cỡ nhỏ qua khu vực phía trên nhóm sao Ấm trà khoảng 10 độ để tìm ra cho mình tinh vân có độ sáng biểu kiến cấp +6 này nhé.

Thứ sáu, 22/9/2017

“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ?
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương?”
(Ngô Thụy Miên)

Bạn có nghe tiếng mùa thu về chưa? Bởi vì Trái Đất của chúng ta sẽ đến điểm Xuân phân vào 2 giờ 53 phút sáng ngày 23 tháng 9 này đấy.

Thu phân, là ngày mà thời gian ban ngày và thời gian ban đêm dài bằng nhau ở xích đạo. Theo Thiên văn học phương Tây, ngày này đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu ở bán cầu bắc, và sự bắt đầu của mùa xuân của bán cầu nam.

Mặt Trời chiếu thẳng vô xích đạo của Trái Đất vào Thu phân. Đồ họa: timeanddate.com. Chuyển ngữ: Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.
Mặt Trời chiếu thẳng vô xích đạo của Trái Đất vào Thu phân. Đồ họa: timeanddate.com. Chuyển ngữ: Ftvh - Vũ trụ trong tầm tay.

Vào ngày này, Mặt Trời sẽ mọc lên từ chân trời ở chính xác hướng đông, và lặn đi xuống chân trời ở chính xác hướng tây. Ngoài ra, Mặt Trời sẽ nằm thẳng đúng trên đỉnh đầu vào giữa trưa. Còn gì nữa nào? Mời bạn đọc bài viết chi tiết về Thu phân nha.

Thứ bảy, 23/9/2017

Thử thách quan sát cuối tuần dành cho bạn đây. Khi Mặt Trời vừa khuất bóng tà dương ở chân trời hướng tây, cũng là lúc bạn sẽ thấy sự xuất hiện mờ nhạt của Mặt Trăng ở đó. Hôm nay là ngày mùng 4 tháng Tám âm lịch, nghĩa là Mặt Trăng sẽ có hình dạng một chiếc lưỡi liềm cực mỏng.

Ngoài phần lưỡi liềm mỏng, bạn thậm chí có thể nhìn thấy được phần tối của Mặt Trăng được chiếu sáng bởi ánh sáng phản xạ từ Trái Đất, được gọi là ánh đất. Hình ảnh: Nhật Minh/TVAC.
Ngoài phần lưỡi liềm mỏng, bạn thậm chí có thể nhìn thấy được phần tối của Mặt Trăng được chiếu sáng bởi ánh sáng phản xạ từ Trái Đất, được gọi là ánh đất. Hình ảnh: Nhật Minh/TVAC.

Hãy tranh thủ một tiếng ngắn ngủi sau khi Mặt Trời lặn và nhìn về bầu trời hướng tây bạn nhé. Thử tài nhiếp ảnh bằng cách chụp lại chiếc trăng lưỡi liềm mỏng dính này, hoặc về một miền thôn quê ít ô nhiễm ánh sáng, và bạn sẽ thậm chí nhìn thấy được phần ánh đất của nó – là phần ánh sáng mờ nhạt của Trái Đất phản chiếu vào phần Mặt Trăng không nhìn thấy được.

Chủ nhật, 24/9/2017

Nào, hãy cho chúng tôi thấy chiếc kính thiên văn của bạn. Tối nay, hãy hướng ống kính về Sao Thổ để tìm ra cho mình vệ tinh Titan – vệ tinh lớn nhất và sáng nhất của Sao Thổ. Titan hôm nay sẽ nằm xa nhất về hướng tây của Thổ Tinh, với khoảng cách gấp bốn lần bề rộng của hệ thống vành đai của hành tinh này.

Titan nằm xa nhất về hướng tây so với Sao Thổ trong buổi tối ngày 24 tháng 9 tới đây.
Titan nằm xa nhất về hướng tây so với Sao Thổ trong buổi tối ngày 24 tháng 9 tới đây.

Titan chuyển động quanh Sao Thổ mỗi 16 ngày một vòng, nghĩa là cứ 8 ngày, vệ tinh này sẽ nằm xa nhất về hướng đông rồi nằm xa nhất về hướng tây so với Thổ Tinh. À, cũng đừng quên gửi lời chào thân thiện đến Rhea – vệ tinh lớn thứ hai của Sao Thổ nhé.

Whoa, vậy là bạn đã có trong tay những sự kiện thiên văn thú vị trong tuần mới này rồi. Hãy ghi chú vào chương trình nhắc nhở để đừng bỏ sót bạn nhé. Ftvh cũng sẽ nhắc cụ thể đến bạn vào một ngày trước khi sự kiện diễn ra trên trang tin và các trang mạng xã hội của mình. Chúc bạn tuần mới tràn đầy năng lượng.

Tuấn Anh