Header Ads

Quan sát bầu trời tháng 2 năm 2015

Rất vui mừng được gặp lại các bạn trong những ngày tháng 2 với không khí rộn ràng, vui tươi của ngày Tết Nguyên đán sắp tới. Thời tiết tháng 2 thiệt là thích hợp để đi chơi đó đây, sắp sửa đồ đạc cho ngày Tết, và đặc biệt là để quan sát bầu trời đêm với muôn vàn thiên thể đầy thú vị.

Quan sát bầu trời tháng 2 năm 2015.
Quan sát bầu trời tháng 2 năm 2015.

Tháng 2 này bạn sẽ quan sát được sự giao hội gần của hành tinh Kim và hành tinh Hỏa, sự trở lại bầu trời sau nửa đêm của hành tinh Thổ, hành tinh Mộc ở vị trí thích hợp nhất trong năm để quan sát, và những chòm sao cùng thiên thể thú vị khác đang chờ bạn khám phá.

Dự kiến phi thuyền Dawn tới tiểu hành tinh Ceres trong tháng 2 này. Ceres là tiểu hành tinh lớn nhất nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa hành tinh Hỏa và hành tinh Mộc. Do kích thước và hình dạng của nó, nó chính thức được phân loại là hành tinh lùn, giống như hành tinh lùn Pluto (trước 2006 gọi là hành tinh Diêm Vương). Ceres có đường kính là 950 cây số, đủ lớn để tạo thành một khối cầu. Phi thuyền Dawn sẽ có vài tháng nghiên cứu khoa học trên bề mặt Ceres và gởi về địa cầu những hình ảnh đầu tiên về một tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời.




CÁC HÀNG TINH BUỔI CHIỀU TỐI 

Khi Mặt Trời vừa lặn trong những buổi chiều tháng 2 này, bạn sẽ bị thu hút bởi thứ ánh sáng phát ra từ chân trời hướng tây, đó là ánh sáng từ hành tinh Kim. Nếu coi các hành tinh và các ngôi sao trên bầu trời đêm là một loại thiên thể thì hành tinh Kim là thiên thể sáng nhất trong loại thiên thể đó.

Hành tinh Kim sẽ xuất hiện ở chân trời hướng tây từ khi Mặt Trời lặn với độ sáng biểu kiến là -3,4 vào đầu tháng và sẽ sáng dần hơn với độ sáng biểu kiến là -3,3 vào cuối tháng, ngoài ra nó cũng sẽ nằm dần cao hơn và ở lại bầu trời lâu hơn qua từng ngày cho tới ngày 6 tháng 6 năm nay nó sẽ ở thời điểm thích hợp nhất để bạn quan sát.

Hành tinh Kim sẽ lặn đi nhanh chóng từ sau 8 giờ tối, nên nếu bạn muốn quan sát nó qua ống dòm hay kính thiên văn thì hãy hướng ống kính về hướng tây nhanh chóng, lưu ý rằng hãy đợi khi Mặt Trời lặn thì mới hướng ống kính để quan sát, vì ánh sáng Mặt Trời lúc chưa lặn hẳn cũng có thể gây hại tới mắt của bạn.

Ở gần hành tinh Kim trong những buổi chiều tháng 2 này còn có hành tinh Hỏa, hành tinh Hỏa sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là +1,4 với ánh sáng màu đỏ đặc trưng của nó. Cũng như hành tinh Kim, nếu bạn muốn quan sát nó thì hãy nhanh chóng hướng mắt và dụng cụ về chân trời hướng tây nhanh chóng, vì nó cũng sẽ lặn đi từ 8 giờ tối.

Và cũng trong tháng 2 này, ta sẽ quan sát được sự kiện thiên văn khá thú vị được tạo nên bởi hai hành tinh này, đó là sự kiện giao hội gần giữa chúng. Nữ thần sắc đẹp Venus và thần chiến tranh Mars sẽ khiêu vũ thật đẹp vào chiều tối ngày 22 tháng 2, cả hai sẽ nằm gần nhau ở khoảng cách 28 phút, tức là chưa tới 1 độ.

Thời gian tốt nhất mà bạn quan sát chúng là từ sau 6 giờ rưỡi chiều, lúc đó chúng sẽ nằm cao 20 độ so với chân trời hướng tây. Hành tinh Kim sẽ có độ sáng là -3,38 trong khi hành tinh Hỏa là +1,46. Hai hành tinh này nằm gần với nhau rồi dường như gộp lại nhau như tạo thành một ngôi sao mới rất sáng. Nhưng rất tiếc bạn chỉ có thể quan sát chúng từ khi Mặt Trời lặn cho tới trước 7 giờ rưỡi, thời gian rất ngắn và chúng nằm thấp gần chân trời, nên bạn hãy chủ động sắp xếp thời gian và vị trí nếu bạn muốn quan sát và chụp hình lại chúng.

Tiếp theo là hành tinh Mộc. Hành tinh khí khổng lồ này sẽ mọc lên từ sau 7 giờ tối ở chân trời hướng đông, tháng 2 là tháng quan sát tốt hành tinh Mộc khi ngày 7 tháng 2 tới nó sẽ đạt vị trí xung đối so với Trái Đất. Thông tin này sẽ được nói thêm ở phần Các hành tinh buổi sáng gần cuối video.

CÁC CHÒM SAO VÀ THIÊN THỂ 

Tháng 2 với tiết trời ấm áp của mùa xuân mới đang về, thời tiết rất thích hợp cho mọi người để quan sát những thiên thể sáng lấp lánh như những viên kim cương, châu báu trong rương kho báu khổng lồ là bầu trời đêm.

Đầu tiên chúng ta hãy tới với chòm sao Auriga, chòm sao này được tượng trưng bởi một người đàn ông ôm ba con dê trong lòng của mình.

Theo Thần thoại Hy Lạp, Kronos là cha của thần Zeus, vì nghe lời tiên tri rằng các con của ông sẽ lên đoạt ngôi chúa tể các vị thần của ông nên ông giết chết hết những đứa con của ông.

Tuy nhiên tới khi thần Zeus ra đời thì mẹ của Zeus đã đánh lừa Kronos rồi đưa Zeus tới đảo Crete mà nuôi lớn ông bằng sữa dê của các con dê mẹ. Khi lớn lên, Zeus lật đổ Kronos để làm chúa tể của các vị thần, biết ơn nuôi dưỡng nên thần Zeus đã đưa dê mẹ và hai dê con lên bầu trời nằm ở khu vực chòm sao Auriga.

Sau đó, thần Zeus cưới vợ là Hera rồi sanh ra đứa con tên Hephalestus rồi ông lại có đứa con nữa nhưng đứa con này bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Thế là Hephalestus đã sáng chế ra chiếc xe ngựa cho con trai ông để có thể tự đánh xe ngựa mà đi lại đây đó dễ dàng hơn. Thần Zeus cho ông lên bầu trời rồi gởi mẹ con dê cho ông trông coi, thế là chòm sao Auriga ngày nay có hình ảnh một người đàn ông ôm ba con dê trong lòng.

Ngôi sao Beta Tauri đánh dấu cái sừng ở phía bắc của con bò vàng Taurus, ngôi sao này không chỉ là riêng của Taurus mà nó còn là ngôi sao của chòm sao Auriga, và từ đó bạn có thể tìm ra được những ngôi sao còn lại trong chòm sao hình lục giác này.

Ngôi sao sáng nhất của chòm sao Auriga là sao Capella, nó là ngôi sao sáng thứ sáu trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là +0,08. Một phần nguyên do khiến cho nó có độ sáng như vậy là vì nó nằm gần với chúng ta, với khoảng cách chỉ 45 năm ánh sáng. Nguyên do khác nữa là nó gồm hai ngôi sao có quỹ đạo quay quanh một tâm chung, và vì nó gần nên bạn có thể quan sát chúng qua kính thiên văn.

Hầu hết những ngôi sao trên bầu trời đêm mà ta quan sát được bằng mắt thường đều là những ngôi sao đơn, nhưng Capella thì là một hệ sao đôi. Hệ sao đôi này gồm sao Capella A và Capella B, chúng tương tác lẫn nhau và đều có kích thước lớn hơn 10 lần so với đường kính của Mặt Trời. Ánh sáng từ hai ngôi sao này phát ra lần lượt gấp 80 lần và 50 lần so với ánh sáng phát ra từ Mặt Trời.

Vậy làm thế nào để tìm ra sao Capella ?

Sao Capella là một trong những ngôi sao giữ vai trò định hướng và chỉ đường trên bầu trời. Vì nó là ngôi sao sáng mà lại nằm xa về hướng bắc nên bạn có thể thấy được nó trong hầu như trong tất cả các đêm của năm. Tuy nhiên thời gian tốt nhất để quan sát nó là vào bầu trời mùa đông từ tháng 12 tới tháng 2, lúc này nó xuất hiện ở bầu trời buổi tối, còn mùa hè thì nó xuất hiện trên bầu trời sáng sớm.

Bạn có thể sử dụng hai ngôi sao Dubhe và Megrez từ nhóm sao Bắc Đẩu - 7 ngôi sao sáng của chòm sao Ursa Major (Gấu lớn) và nối chúng thành một đường thẳng rồi kéo dài qua hướng tây để bắt gặp sao Capella.

Hay là từ thanh kiếm của Orion (đây là ba thiên thể nằm hơi vuông góc so với thắt lưng của Orion, tinh vân Orion là thiên thể nằm chính giữa ba thiên thể này), đi qua ngôi sao giữa của thắt lưng Orion, đi qua đỉnh đầu của chàng thợ săn Orion rồi thẳng hướng đến sao Capella.

Ngoài sao Capella ra thì chòm sao Auriga còn nhiều thứ thú vị khác để quan sát. Bạn hãy tới với ba cụm sao nằm liên tiếp nhau trong cuốn danh mục nổi tiếng của nhà thiên văn học người Pháp là Charlie Messier.

Ba cụm sao đó là M36, M37, M38 đều được khám phá bởi Giovanni Batista Hodierna vào năm 1654.

M36 cách chúng ta khoảng 4100 năm ánh sáng và trải rộng 14 năm ánh sáng trong không gian. Cụm sao này gồm ít nhất 60 ngôi sao thành viên với tuổi đời không quá 25 triệu năm và nó có nhiều đặc điểm tương đồng với cụm sao Pleiades (M45), nếu như M36 nằm cùng khoảng cách tới địa cầu như M45 thì chúng sẽ có cùng độ sáng.

M37 là cụm sao sáng nhất trong ba cụm sao nói trên. Tuổi thọ của nó từ 347 tới 550 triệu năm tuổi. Tổng khối lượng của cụm sao này gấp 1500 lần so với Mặt Trời và nó chứa hơn 500 ngôi sao đã được xác định với khoảng 150 ngôi sao sáng hơn 12,5 độ, nó còn chứa nhiều sao khổng lồ màu đỏ nữa. M37 cách địa cầu chúng ta khoảng 4500 năm ánh sáng và trải rộng từ 20 tới 25 năm ánh sáng trong không gian.

Còn M38 với khoảng cách 3420 năm ánh sáng từ Trái Đất chứa nhiều ngôi sao sáng với độ sáng +8. Nếu Mặt Trời của chúng ta nằm trong cụm sao M38 thì Mặt Trời sẽ có độ sáng biểu kiến khi nhìn từ Trái Đất là +15,3.

Để tìm ra ba cụm sao này, đầu tiên bạn hãy vẽ một đoạn thẳng tưởng tượng trên bầu trời bắt đầu từ sao Beta Tauri hay có tên khác là Alnath, tức là ngôi sao chung của hai chòm sao Taurus và Auriga, rồi nối xuống ngôi sao Theta Aurigae. Vậy là bạn được một đoạn thẳng nằm đối diện với sao Capella trong chòm sao Auriga.

M36 nằm ở gần trung điểm của đoạn thằng bạn vừa nối. M38 sẽ nằm cùng một trường nhìn với M36 nếu bạn hướng ống dòm về khu vực này. M38 lớn hơn M36 một chút khi bạn quan sát chúng qua ống dòm nhưng M36 thì có độ sáng biểu kiến lớn hơn M38 chút xíu. Sau đó bạn hãy hướng ống dòm một chút xíu về hướng đông là sẽ bắt gặp ngay M37.

M36 có độ sáng biểu kiến là +6,0, M37 là +5,6 và M38 là +6,4. Nên bạn không thể quan sát chúng bằng mắt thường được mà thích hợp cho bạn khi quan sát qua ống dòm hay kính thiên văn.

CÁC HÀNH TINH BUỔI SÁNG 

Hành tinh Thổ đã trở lại bầu trời buổi sáng trước bình minh và tỏa sáng trong chòm sao Scorpius (Bò cạp) ở bầu trời hướng đông. Đầu tháng 2 nó sẽ mọc lên bầu trời hướng đông từ 2 giờ và cuối tháng thì sẽ mọc lên từ 1 giờ sáng. Điều này có nghĩa là nó đang dần mọc sớm hơn và sẽ trở lại bầu trời buổi tối, cuối cùng là sẽ đạt vị trí xung đối vào ngày 23 tháng 5, lúc này là thời điểm rất tốt cho bạn quan sát nó.

Trong khi hành tinh Thổ mọc lên ở chân trời hướng đông thì hành tinh Mộc lặn dần ở chân trời hướng tây trước bình minh. Hành tinh Mộc đã mọc lên từ buổi tối và nó sẽ song hành cùng chòm sao Leo với ngôi sao sáng Regulus rồi sẽ lặn ở chân trời hướng tây.

MẶT TRĂNG VÀ PHA MẶT TRĂNG

Ngày đầu tháng 2 dương lịch năm 2015 nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Ngọ.

Trăng tròn tháng Chạp cũng là lần trăng tròn cuối cùng của năm Giáp Ngọ sẽ xảy ra vào lúc 6 giờ 10 phút sáng ngày 4 tháng 2 năm 2015. Như vậy bạn sẽ được ngắm trăng rằm vào tối 4 tháng 2 trong chòm sao Cancer (Con cua) từ lúc 6 giờ 25 phút chiều khi trăng mọc lên từ chân trời hướng đông cho tới 6 giờ 2 phút sáng hôm sau khi trăng lặn ở chân trời hướng tây.

Trăng hạ huyền tháng Chạp sẽ xảy ra vào lúc 10 giờ 51 phút sáng ngày 12 tháng 2 năm 2015. Và điều này có nghĩa là tối ngày 12 tháng 2 bạn sẽ quan sát được trăng nửa sáng nửa tối trong chòm sao Libra (Cái cân) từ 11 giờ 50 phút khuya ở chân trời hướng đông cho tới sáng hôm sau khi trăng vẫn còn nằm cao trên bầu trời.

Trăng mới tháng Giêng năm Ất Mùi sẽ xảy ra vào lúc 6 giờ 49 phút sáng ngày 19 tháng 2 năm 2015, đây là ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi. Mặt Trăng sẽ nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời và nó sẽ không nhìn thấy được khi quan sát từ Trái Đất. Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể xa và mờ nhạt như các thiên hà hay cụm sao bởi vì ánh sáng trăng đã làm chúng mờ đi và khó quan sát vào những đêm có trăng.

Bạn có thể truy cập vào trang Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay để đọc trực tuyến và tải về tài liệu giúp bạn có thể quan sát các sự kiện thiên văn diễn ra hằng ngày.

Cảm ơn bạn đã chú ý theo dõi, hẹn gặp lại bạn trong các chương trình sau của Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay.


Hình ảnh sử dụng trong video :

Bầu trời đêm An Giang
Pé Gia Phú
http://goo.gl/JsqW0r
(01:00 - 01:20)

Love of The Night
Kevin Haszard/Chris Georgia
(05:37 - 05:53)

Urania's Mirror - Auriga
Sidney Hall
http://goo.gl/g3zf0Q
(05:53 - 06:03)

The Nurture of Jupiter by the Goat Amalthea
Nicolas Poussin
http://goo.gl/Buweq1
(06:17 - 06:43)

Capella System
Sol Company
http://goo.gl/QSVeqa
(08:08 - 08:37)

La Constelación del Auriga
La bitácora de Galileo » Astronomía elemental
http://goo.gl/zi2YQG
(08:37 - 08:41)

Auriga, Canon 400D, 7x10min, ISO 400, 35mm, F/5.6
Robert Reeves
http://goo.gl/GFjPvw
(09:51 - 10:08)

Messier 36
Lawrence E. Hazel
http://goo.gl/99w5RM
(10:21 - 10:48)

M37
Emil Ivanov
http://goo.gl/DDOWHK
(10:48 - 11:25)

M38
Jonathan Masin Astrophotography
http://goo.gl/qpuQxy
(11:25 - 11:46)

và những hình minh họa bầu trời đêm được sử dụng bằng phần mềm Stellarium.

Nhạc nền :

Quê hương mùa xuân
Hương sắc Tết Việt

Ngày Tết Việt Nam
Paris by Night