Header Ads

Trang này đã không còn được cập nhật. Chúc các bạn luôn hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, và giữ mãi ngọn lửa đam mê.

Bầu trời trong tuần từ 13/1 đến 19/1/2014

Hãy cùng quan sát bầu trời tuần lễ thứ 3 của năm 2014 với những thiên thể sáng chói cùng những kỳ quan huyền ảo của bầu trời bạn nhé. Tuần này bạn sẽ quan sát được Sao Mộc cùng Mặt Trăng và những thiên thể quen thuộc trong Lục giác mùa đông, Sao Thổ, Sao Thủy và chòm sao Cassiopeia (Thiên Hậu).

Bầu trời trong tuần từ 13/1 đến 19/1/2014
Bầu trời trong tuần từ 13/1 đến 19/1/2014

Thứ hai, 13/1
Hành tinh Sao Hải Vương xa xôi sẽ xuất hiện như là một hệ sao đôi khi nó nằm rất gần với ngôi sao HIP 110439 gần đó, Sao Hải Vương thì tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là +8,0 và ngôi sao kia thì tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là +7,7, hai thiên thể nầy sẽ cách nhau 2,8' trên bầu trời. Cặp thiên thể này sẽ nằm cao khoảng 20° so với đường chân trời hướng tây nam ngay sau hoàng hôn. Chúng nằm trong chòm sao Aquarius (Bảo Bình) và khu vực này vẫn chưa có tên gọi, chúng cách ngôi sao sáng +4,0 độ Theta (θ) Aquarii về hướng đông nam. Xem bài viết.

Thứ ba, 14/1
Mặt Trăng gần tròn sẽ nằm cách Sao Mộc 5° về hướng nam. Hành tinh khí khổng lồ sẽ tỏa sáng ở độ sáng -2,7 - tối hơn so với Mặt Trăng nhưng sáng hơn những ngôi sao trong chòm sao Gemini (Song Tử). Trong thực tế thì Sao Mộc sáng hơn bất cứ ngôi sao nào khác trên bầu trời.

Lục giác mùa đông, Sao Mộc và Mặt Trăng vào đêm 20/1/2013. Tác giả : John Chumack.
Lục giác mùa đông, Sao Mộc và Mặt Trăng vào đêm 20/1/2013. Tác giả : John Chumack. Xem trên Flickr.

Hành tinh này đạt điểm đối lập vào ngày 6/1 tuần rồi [xem bài viết] nên nó vẫn còn ở cao trên bầu trời và đang là thời điểm tốt để quan sát nó. Nó sẽ mọc lên từ bầu trời hướng đông ngay sau khi Mặt Trời lặn và lên cao nhất trên bầu trời vào khoảng nửa đêm. Nếu bạn hướng ống kính thiên văn lên Sao Mộc, bạn sẽ thấy được đĩa hành tinh với đường kính 47 cung giây. Xem bài viết.

Thứ tư, 15/1
Mặt Trăng sẽ đạt pha trăng rằm vào 11:52 sáng ngày 16/1, tuy nhiên đêm nay bạn sẽ quan sát thấy nó như là gần tròn và nó chiếu rất sáng cả đêm. Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở góc về phía đông nam của chòm sao Gemini (Song Tử), cách 12° về hướng nam so với ngôi sao Pollux - ngôi sao sáng nhất chòm sao này với độ sáng biểu kiến là +1. Mặt Trăng cũng đạt điểm viễn địa (điểm xa Trái Đất nhất) vào 8:53 sáng ngày 16/1, cho nên trăng rằm sẽ cách Trái Đất 406.532 km và nó khiến cho trăng đêm nay sẽ là trăng nhỏ nhất trong năm 2014 với đường kính là 29,4'. Xem bài viết.

Thứ năm, 16/1
Sao Thổ là một thiên thể dễ dàng tìm thấy ở bầu trời hướng đông nam trước khi bình minh đến, bạn sẽ thấy nó nằm trong chòm sao Libra (Thiên Bình). Chúng ta sẽ thấy nó nằm cao 25° so với đường chân trời hai tiếng trước khi Mặt Trời mọc và 30° so với đường chân trời một tiếng trước khi Mặt Trời lên. Với độ sáng biểu kiến là +0,6 nên Sao Thổ là thiên thể sáng nhất của vùng trời này, nếu bạn quan sát nó qua kính thiên văn, bạn sẽ thấy đĩa hành tinh dài 16 cung giây cùng với vành đai 37 cung giây và hành tinh nghiêng 22° so với tầm nhìn của chúng ta. Xem bài viết.

Sao Thổ nằm trong chòm sao Libra (Thiên Bình) vào sáng sớm. Tác giả : Damian Peach.
Sao Thổ nằm trong chòm sao Libra (Thiên Bình) vào sáng sớm. Tác giả : Damian Peach.

Thứ sáu, 17/1
Một trong những chòm sao dễ bắt gặp nhất trên bầu trời - Orion (Lạp Hộ), chàng thợ săn - sẽ xuất hiện trên bầu trời hướng đông nam từ khi màn đêm vừa buông xuống và lên cao trên bầu trời vào nửa đêm rồi lặn dần khi bình minh đến. Ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm - Sirius - sẽ đi theo con đường của chòm Orion vào 1 tiếng sau đó. Xem bài viết.

Thứ bảy, 18/1
Khi màn đêm vừa đến, hãy hướng mắt lên phía bắc của bầu trời và tìm kiếm chòm sao Cassiopeia (Tiên Hậu) nằm lưng lửng bầu trời. Khi đến nửa đêm, chòm sao này sẽ lặn dần xuống bầu trời hướng tây bắc.

Chủ Nhật, 19/1
Sao Thủy sẽ quan sát được tốt nhất trong năm 2014 vào cuối tuần này, hành tinh này sẽ tỏa sáng với độ sáng -0,9 và nằm cao chỉ 5° so với đường chân trời hướng tây tây nam - rất thấp - và sau khi Mặt Trời lặn được nửa tiếng. Khi quan sát qua kính thiên văn, bạn sẽ thấy đĩa hành tinh rộng 5 cung giây. Bạn phải có bầu trời hướng tây tây nam thật thoáng đãng và trống trải để có thể quan sát được nó.

Anh Tuấn Nguyễn theo Astronomy, Sky and Telescope.